- Các nhà quý tộc có làm thơ không? - Raoul ngây thơ hỏi - tôi e rằng như
vậy là tự hạ mình.
- Phải đấy, tử tước thân mến ạ, khi làm thơ tồi, - Arthos cười đáp, - nhưng
nếu làm thơ hay thì lại càng rạng rỡ. Hãy xem ông de Rotrou đấy Tuy
nhiên, - Arthos nói tiếp với cái giọng khi người ta ban một lời khuyên bổ
ích, - tôi cho rằng không làm thơ thì hơn.
- Thế ông Scarron có phải là thi sĩ không? - Raoul hỏi.
- Phải, tử tước được báo trước rồi đấy: đến nhà ông ấy là phải chú ý rất cẩn
thận, chỉ nói năng bằng cử chỉ, hoặc tốt hơn hết là lắng nghe thôi.
- Thưa vâng, - Raoul đáp.
- Anh sẽ thấy tôi chuyện trò nhiều với một vị quý tộc trong số bạn tôi: đó là
tu viện trưởng De Herblay mà anh vẫn thường nghe tôi nói đến.
- Tôi có nhớ, thưa ông.
- Thỉnh thoảng anh đến gần chúng tôi như muốn nói chuyện, nhưng chớ
nói, và cũng chớ có nghe. Làm thế cốt để những kẻ quấy rầy khỏi làm
phiền chúng tôi thôi.
- Được ạ, tôi sẽ tuân theo ông từng điểm một.
Arthos đi thăm hai nơi ở Paris. Rồi đến bảy giờ hai người đi về phía phố
Tournelles. Đường phố tắc nghẽn những phu trạm, ngựa và bọn đầy tớ đi
bộ, Arthos đi lách qua để vào và chàng trẻ tuổi theo sau.
Người đầu tiên đập vào mắt Arthos khi vào là một người ngồi trong một
chiếc ghế lớn lắp bánh xe lăn có che một cái tán bằng thảm thêu, dưới tán
thấy động đậy một thân hình bọc trong một tấm mền gấm với khuôn mặt
nhỏ nhắn hãy còn trẻ cười cợt nhưng thỉnh thoảng tái nhợt đi, song cặp mắt
lúc nào cũng biểu lộ một tinh thần linh hoạt, thông minh và duyên dáng. Đó
là tu viện trưởng Scarron luôn luôn tươi cười, giễu cợt.
Chung quanh cái thứ lều lưu động ấy, chen chúc một đám các vị quý tộc và
các phu nhân. Căn phòng rất tinh tươm và bày biện tao nhã. Trên những ô
cửa sổ lớn buông những tấm rèm bằng lụa thêu hoa màu sắc trước kia sặc
sỡ nay đã hơi phai lạt; thảm phủ tường giản dị nhưng nhã nhặn. Hai tên hầu
rất lễ phép và được huấn luyện quen với những phong cách lịch sự hầu hạ
rất khéo léo.