- Về vấn đề này. Hoàng thân có cho phép tôi mạo muội đưa ra vài lời may
ra có giúp ngài được chút nào không?
Hoàng thân quay lại và như bao trùm toàn thân chàng thanh niên trong một
cái nhìn; ông mỉm cười nhận ra ở chảng một đứa trẻ suýt soát mười lăm
tuổi.
Hoàng thân bèn dịu bớt cái giọng cộc lốc và rành rọt của mình và như đang
phải nói với một phụ nữ, ông bảo:
- Tất nhiên rồi, ông cứ nói đi nào.
Raoul đỏ mặt đáp:
- Đức ông có thể tra hỏi tên tù binh Tây Ban Nha.
- Các ông bắt được một tù binh Tây Ban Nha à! - Hoàng thân reo lên.
- Vâng, thưa Đức ông.
- A, đúng rồi? - de Guise nói, - tôi đã quên đi mất.
- Có gì đâu, chính bá tước đã bắt nó mà, - Raoul mỉm cười nói.
Vị thống chế già quay lại phía tử tước, tỏ vẻ biết ơn về lời chúc mừng ấy
đối với con trai mình, còn hoàng thân thì nói:
- Chàng thanh niên nói đúng đấy! Dẫn tù binh ra đây.
Trong lúc ấy Hoàng thân gọi riêng de Guise ra, hỏi anh về việc tên tù binh
ấy bị bắt như thế nào, và hỏi xem chàng thanh niên kia là ai.
Rồi hoàng thân trở lại phía Raoul và nói:
- Này ông, tôi biết rằng ông có mang một bức thư của em gái tôi bà de
Longueville, nhưng tôi thấy rõ là ông thích tự giới thiệu mình hơn bằng
cách nêu cho tôi một ý kiến hay.
- Thưa Đức ông, - Raoul đỏ mặt đáp - Tôi không muốn Đức ông phải bỏ dở
một cuộc chuyện trò thật là quan trọng như câu chuyện ngài đã trao đổi với
Bá tước. Thưa, bức thư đây ạ.
- Được rồi, - hoàng thân nói, - Ông sẽ đưa tôi sau. Tù binh đây rồi, ta hãy
nghĩ đến việc cấp bách nhất.
Người ra dẫn tên du kích đến. Đó là một tên trong bọn lính đánh thuê thời
ấy vẫn còn, chúng bán máu cho bất kỳ ai muốn mua và già đời trong
chuyện mưu mô và cướp phá. Từ lúc bị bắt, nó không nói nửa lời đến nỗi
những người đã giữ nó cũng chẳng biết nó thuộc quốc gia nào nữa.