Chủ trương “tể tướng phải bắt đầu từ một chức ở châu quận, tướng soái
phải bắt đầu từ chân lính trơn” được giảng rõ trong đoạn đầu thiên XLII
Vấn Điền mà chúng tôi trích dịch thêm dưới đây:
Tử Cừ hỏi Điền Cưu[1]:
- Tôi nghe nói kẻ sĩ có trí không từ một địa vị thấp (tiến lên lần lần rồi
sau mới) được yết kiến vua, bậc thánh nhân không đợi lập được nhiều công
rồi mới được tiếp xúc với vua[2]. Nay ông Nghĩa Cừ ở Dương Thành là
một danh tướng mà mới bắt đầu dùng làm trưởng đồn; ông Công Tôn Đàn
Hồi[3] là một tướng quốc hiền minh vào bậc thánh mà xuất thân từ một
chức ở châu quận (tức một chức quan nhỏ ở địa phương). Tại sao vậy?
Điền Cưu đáp:
- Lí do có gì khác đâu. Chỉ là vì vua có pháp độ và có thuật. Ông
không nghe vua Sở dùng Tống Cô làm tướng soái mà quốc chính hoá loạn,
vua Ngụy dùng Phùng Li[4] làm tướng quốc mà suy vong đấy ư? Hai vua
đó bị những lời rỗng lôi cuốn, bị lời biện thuyết mê hoặc mà không thử tài
họ ở chức trưởng đồn và chức quan châu quận, nên quốc chính mới loạn,
quốc gia mới suy vong. Do đó mà xét, không thử dùng người ở chức trưởng
đồn, ở chức quan châu quận (rồi mới cho tiến lên lần lần) thì đâu phải là
phép phòng bị của bậc minh chủ?
Chú thích:
[1], [2], [3], [4] Những nhân vật Từ Cừ, Điền Cưu, Nghĩa Cừ, Đàn Hồi,
Tống Cô, Phùng Li trong đoạn này, đều chưa rõ là ai, không thấy chép
trong sách nào khác.
[2] Từ Cừ muốn bảo những bậc có tài đức thì nên dùng ngay vào những
chức vụ cao như Quản Trọng chẳng hạn.