nghèo khó. Rõ ràng nếu chúng ta có một quyết tâm tạo chủng tử lành, thì nhất định chúng
ta sẽ có quả phúc tốt, điều đó không nghi.
Tóm lại, về vật chất chúng ta thể hiện hiếu đạo phụng dưỡng cha mẹ trong phạm
vi, trong hoàn cảnh và phúc duyên của mình. Cốt ở tâm thành chớ không vì những hình
thức tiếng tăm bên ngoài. Phật tử phải hiểu và áp dụng tinh thần này vào hoàn cảnh riêng
của mình, để vượt khó và làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ.
Về phần tinh thần. Người Phật tử phụng dưỡng cha mẹ bằng tinh thần như thế nào?
Tức ngay nơi sự tu học, sự hiểu biết về Phật pháp và thể hiện Phật pháp trong đời sống.
Bởi vì nếu trong dòng họ có một người tu hành đắc đạo thì cửu huyền được an lạc, gia
đình được chuyển hóa tốt đẹp. Trong tập thể nào có được người Phật tử tâm đạo chân
chính thì tập thể đó sẽ được chuyển hóa tốt đẹp. Trở lại gia đình. Nếu trong gia đình
không luận là người chồng hay vợ, nếu gặp chánh pháp, được sự hướng dẫn và áp dụng
đúng chánh pháp thì gia đình đó sẽ được chuyển hóa. Tuy nhiên có Phật tử nói rằng con
đi chùa mà tại sao trong gia đình cứ xảy ra việc nọ, việc kia. Hay đêm nào con cũng tụng
kinh, ngồi thiền mà tại sao con của con không nghe lời, cứ quậy phá. Thật ra đây là
những thử thách để chúng ta rèn luyện việc tu học của mình. Vẫn bình thản tiếp tục việc
tu tập của mình tức là vững tiến, đã chiến thắng những trở ngại chung quanh. Từ thành
tựu này Phật tử mới có thể cảm hóa những người thân trong gia đình mình.
Người đời thường hay nói “Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là tội báo” câu nói
này cũng đáng để suy ngẫm. Kinh Nhân Quả nói rõ ràng, quan hệ gia đình, huyết thống là
nợ nần nhiều đời nhiều kiếp. Nên có đời làm cha, có đời làm chồng, có đời làm mẹ, có
đời làm vợ… Nếu hưởng thụ quá phần sẽ bị nợ nần trở lại với con, với những người
trong gia đình thì đời sau phải trở lại làm đầy tớ để trả nợ cho xong. Nhân quả phải như
vậy.
Cho nên nói đến gia đình là nói đến nhân quả tuần hoàn, nghiệp báo trả vay. Nhẹ
thì làm chủ, nặng thì làm tớ. Có nhiều câu chuyện, nhất là trong bản hạnh của đức Thế
Tôn cũng như tất cả những vị đại Thánh đều cho chúng ta thấy rằng trong quan hệ nhân
quả nếu thiếu tỉnh táo, sáng suốt, không nhận định chân chính, thiếu trí tuệ thì chúng ta sẽ
oan oan tương báo không có ngày cùng.