QUAN NIỆM VỀ HẠNH HIẾU
CỦA NGƯỜI CON PHẬT
Hôm nay nhân ngày lễ Vu Lan, chúng tôi sẽ trình bày một vài quan niệm về hiếu
đạo của người con Phật. Là Phật tử, chúng ta phải làm sao thực hiện được hiếu đạo đúng
theo tinh thần Phật dạy.
Thông thường hiếu đạo được chia ra hai phần: Một là vật chất, hai là tinh thần. Hai
phần này chúng ta phải suy nghiệm, tìm hiểu và áp dụng.
Về phần vật chất, đối với cha mẹ, chúng ta phải hết lòng cung phụng. Cung phụng
đúng pháp và đúng nghĩa, hợp đạo và tránh chiều theo thị hiếu xấu, làm tổn hại chúng
sanh. Làm được như vậy là thể hiện được tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Trên
phương diện này tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, phúc duyên mà ta có để thực hiện. Không
nên ngược xuôi, dong ruổi theo hình thức bề ngoài. Chủ yếu ở lòng chúng ta, làm sao để
ta có thể thực hiện hiếu đạo mà không có những cắng đắng trong gia đình. Bởi vì trong
hoàn cảnh hiện tại, chúng ta ít khi nào gặp được điều như ý, hoàn toàn thuận lợi như
mong muốn của mình. Thường thì mười phần chỉ được hai ba thôi.
Như sử nước ta có kể Trịnh Kiểm hồi còn hàn vi, nghèo khó có một mẹ già. Ông
bươn chải kiếm sống vất vả nhưng cuối cùng nghèo vẫn cứ nghèo. Một hôm mẹ ông đau
yếu, thèm ăn thịt gà. Trịnh Kiểm không tìm đâu ra được, cũng không có tiền mua. Vì quá
thương mẹ, ông đã trộm gà của người về cho mẹ ăn. Khi ấy Nguyễn Kim, một vị đại thần
nhà Lê bất mãn triều đình nên chiêu tập trai tráng mạnh khỏe để gầy dựng sự nghiệp
riêng. Biết được hoàn cảnh và lòng hiếu thảo của Trịnh Kiểm. Ông liền đem về trong gia
trướng của mình. Từ đó Trịnh Kiểm trở thành một người tâm phúc và sau trở thành con
rể của Nguyễn Kim.
Nguyễn Kim là người gầy dựng triều đình nhà Nguyễn. Còn Trịnh Kiểm là vị chúa
đầu tiên trong thời vua Lê, chúa Trịnh. Thiết nghĩ nếu Trịnh Kiểm không gặp được
Nguyễn Kim thì làm gì có được ngày sau rực rỡ huy hoàng như vậy. Nhưng thật ra rất
hiếm trường hợp gặp người tốt như Nguyễn Kim. Thường kẻ trộm thì bị pháp luật, bị gia
hình, chớ không được tìm hiểu và thông cảm hoàn cảnh như Trịnh Kiểm.