Lời nói và việc làm
145
hại của những lời đùa cợt hoặc khoe khoang, khoác
lác... Bởi vì chúng có vẻ như chẳng hại gì đến ai cả.
Trong thực tế, những lời đùa cợt không thật hay
những lời khoe khoang vượt quá sự thật chính là
tiền thân của những lời nói dối.
Rất nhiều người trong chúng ta đã biết qua cảm
giác ngượng ngập, lúng túng khi lần đầu tiên nói
dối. Người nói đang đứng trước ranh giới giữa sự
chân thật và dối trá, và cảm giác này giống như một
phản ứng tự nhiên của bản thân để cố ngăn không
cho ta rơi vào sự dối trá. Thường thì người nghe rất
dễ nhận ra vẻ lúng túng ấy để biết là mình đang bị
nói dối. Tuy nhiên, nếu chúng ta lập lại việc nói dối
nhiều lần, chúng ta không còn cảm giác lúng túng,
ngượng ngập như lần đầu.
Và chính những lời đùa cợt hay khoe khoang
cũng có tác dụng xói mòn làm mất đi cảm giác
ngượng ngập, lúng túng đã ngăn cản không cho ta
nói dối. Nếu bạn thường xuyên đùa cợt, khoe khoang
quá trớn, bạn sẽ rất dễ dàng chuyển sang nói dối mà
không có chút gì ngần ngại.
Mặt khác, bản thân người nói không phải bao giờ
cũng ý thức rõ được mình đang nói những lời không
thật. Nếu ta nhận được sự thán phục hoặc tán đồng
từ người khác, dần dần ta sẽ có cảm giác như mình
đang nói thật. Nhưng thật ra, ta đang lừa dối chính
bản thân mình. Và điều này về lâu dài sẽ khiến cho
ta mất khả năng phân biệt rạch ròi giữa sự chân
thật và dối trá.