Hạnh phúc là điều có thật
146
Một khuynh hướng rất thông thường là chúng ta
luôn nói nhiều hơn mức cần thiết. Một trong những
lý do dẫn đến điều này cũng là vì “nói dễ hơn làm”.
Đôi khi chúng ta tập thành thói quen nói rất nhiều
mà không quan tâm đúng mức đến những gì mình
nói ra. Sự “lạm phát” lời nói này luôn được những
người chung quanh ta cảm nhận được và phản ứng
lại bằng cách đánh giá thấp lời nói của ta. Điều này
cũng có nghĩa là chỉ cần ta bớt nói đi, lời nói của ta
sẽ tự nhiên có giá trị cao hơn.
Nhưng vấn đề cũng không đơn giản chỉ có thế.
Việc nói năng tùy tiện, bừa bãi còn làm ta đánh mất
đi năng lực suy nghĩ chín chắn đối với từng vấn đề.
Thay vì tập trung sự chú ý sáng suốt để tìm ra giải
pháp tốt nhất, ta dễ dàng hài lòng với bất cứ phát
biểu nào vừa chợt nghĩ ra được.
Biết hạn chế lời nói một cách thích hợp, chúng ta
còn tiết giảm được một năng lượng đáng kể cần thiết
cho cơ thể. Cũng có thể bạn có phần nào hoài nghi về
việc nói nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đó
là sự thật. Người xưa cũng đã nhận biết được điều
này nên có nói: “Khẩu khai thần khí tán.” (Miệng mở
ra là thần khí phải hao tổn.) Tất nhiên, nói như vậy
hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta phải trở nên
lầm lỳ ít nói, có điều là chỉ nên nói những gì ta thấy
cần thiết mà thôi.
Khi chúng ta biết quan tâm hạn chế những lời
nói không cần thiết, chúng ta sẽ tiến dần đến chỗ
làm được tất cả những gì mình nói.