sàng, và cóc cần đến chúng ta, vì mỗi ngày nội một việc gặp nhau trong
hành lang khách sạn đã có đến mười lần “xin lỗi”, nhàm quá rồi.
Phải tập phân biệt mùi từng người cùng một cầu thang với mình, trong
các nhà vệ sinh, chuyện ấy đơn giản thôi. Cái khó là tự dối mình trong
những phòng cho thuê đã có sẵn đồ đạc. Khách trọ là họ không ưa những
cái lòe loẹt phù hoa. Ngày lại qua ngày, họ đi đây đi đó một cách kín đáo,
không muốn để ai biết mình, trong một khách sạn cũng như trên một tàu
thủy có thể đã hư mục lỗ chỗ.
Cái khách sạn tôi đến ở là nơi hấp dẫn trước hết các sinh viên ở dưới
tỉnh lên. Cứ bước lên những bậc thang đầu tiên là đã ngửi thấy mùi khói
thuốc lá và mùi thức ăn điểm tâm. Còn ban đêm thì từ xa đã nhận ra khách
sạn vì ánh đèn lờ mờ trên khung cửa và những hàng chữ rỗng ruột mạ vàng
treo trên ban công như cái máng cỏ cũ to tướng. Một nhà trọ như con quái
vật đần độn vì những mưu mô cáu bẩn.
Từ phòng này sang các phòng khác, qua hành lang, người ta thăm hỏi
nhau. Sau những năm làm ăn thảm hại trong đời sống thực tiễn, những cuộc
mạo hiểm như người ta nói, tôi trở về với họ, các sinh viên.
Những ước ao của họ vẫn là thế, vững vàng và già cỗi, nhạt phèo
không hơn không kém ngày trước, khi tôi rời ghế sinh viên. Con người có
thể thay đổi còn ý niệm thì không. Cũng vẫn thế, người này người nọ, lại rủ
nhau đi gặm ít nhiều về y học, vài mẩu hóa học, vài viên luật học, và toàn
bộ động vật học, vào những giờ gần như đều đặn, ở đầu bên kia khu phố.
Chiến tranh lướt qua trường lớp của họ đã chẳng xáo động chút gì ở họ và
khi ta, bằng tình cảm, hòa nhập vào những mông mơ của họ thì họ đưa ta
thẳng một lèo đến tuổi bốn mươi sau này. Nghĩa là họ tự ứng trước cho họ
hai mươi năm, hai trăm bốn chục tháng với những sự dè sẻn bền bỉ để tạo
ra một hạnh phúc.
Đó lạ một bức tranh dân gian vùng Épinal
hiện giấc mơ hạnh phúc và thành đạt của họ, nhưng có tuần tự lớp lang và
chau chuốt hơn. Họ tưởng tượng đến một bức hình trong đó họ đứng giữa
một gia đình không đông lắm nhưng khó ai sánh được và quý báu đến phát