bớt một vài thay đổi li ti, rất thứ yếu... Tuy vậy, bạn đồng nghiệp thân mến,
bạn hãy tin lời tôi, cái bệnh thương hàn trong thời đại chúng ta nó cũng bị
dùng sai như cây đàn măng-đô-lin hay băng-giô ấy mà. Mệt chết đi được!
Anh nào cũng muốn gẩy đàn theo cái điệu của mình. Không, tôi thích nói
thật với anh rằng tôi cảm thấy không còn sức nào để gánh thêm cái phiền
não này nữa. Cái mà tôi tìm kiếm t rong những ngày cuối đời mình, là có
được một xó xỉnh nào thật yên tĩnh để nghiên cứu, không còn ai phải nhòm
ngó đến mình, chẳng kẻ thù mà cũng chẳng học trò. Nhưng tự bằng lòng và
rất cần đến cái tiếng tăm xoàng xĩnh không bị ai ganh tị này. Giữa những
cái vô vị khác, tôi đã nghĩ đến việc nghiên cứu sự ảnh hưởng so sánh của
hệ thống sưởi trung tâm
đối với bệnh trĩ ở các vùng phía Bắc và phía
Nam. Bạn nghĩ sao về chuyện này? Về mặt vệ sinh? Về mặt chế độ? Đó là
những chuyện thời thượng, phải không? Một cuộc nghiên cứu như thế với
sự chỉ đạo đứng đắn và kéo dài lê thê tôi tin rằng sẽ tranh thủ được Viện
Hàn lâm, mà phần lớn là những ông già không thể thờ ơ với các vấn đề
sưởi ấm và bệnh trĩ. Bạn hãy xem họ làm gì đối với bệnh ung thư có liên
quan mật thiết đến họ!... Viện Hàn lâm sẽ biểu dương tôi, tặng tôi một giải
thưởng của Viện về vệ sinh... Biết đâu đấy? Mười nghìn quan chứ chơi à?
Thế là đủ cho tôi một chuyến đi Venise... Bạn biết không, anh bạn trẻ của
tôi, tôi đã đến Venise khi còn thanh niên... Có thế! Ở đấy thì có thể đói hơn
nơi khác thật... Nhưng lại có thể hít thở cái mùi chết chóc huy hoàng khó
quên được...
Đã ra phố chúng tôi lại phải vội vàng quay lại để tìm mấy thứ đồ cao
của ông bỏ quên. Vì thế chúng tôi trễ giờ. Cả hai phải rảo bước đến
một nơi mà ông không nói trước cho tôi rõ.
Đi theo phố Vaugirard dài dặc, đầy hàng rau và các thứ ngổn ngang,
chúng tôi đến rìa một khoảng đất xung quanh trồng cây hạt dẻ và có nhiều
cảnh sát. Chúng tôi lách vào phòng trong của một quán cà phê nhỏ nơi
Parapine kiễng chân nhòm vào một ô cửa qua cái màn gió.
-Muộn quá rồi! Giọng ông bực bội. Các em đi cả mất rồi!
-Ai?