Mình nhớ lần đến trại dưỡng lão. Mình gặp các cụ già giống ông bà nội
mình lắm. Ai cũng hồn hậu, vui vẻ. Và đặc biệt, ai cũng “thèm” nói
chuyện.
Các cụ đều thích kể về những năm tháng đã qua, khi mà các cụ còn trẻ
khỏe. Kể về những kỉ niệm với những người mình đã gặp trong cuộc đời.
Kể về những khó khăn đã trải qua. Kể về những nơi mình từng đặt chân
đến...
Cứ thế những câu chuyện khiến ai cũng dường như trẻ lại. Và như thế,
mình chợt hiểu, với người già, điều quan trọng là sự sẻ chia của mọi người
chứ không phải những nhu cầu vật chất.
Các viện dưỡng lão mà mình đến đều rất đẹp. Ở đó, các cụ được phục vụ
vô cùng chu đáo, lúc nào cũng có điều dưỡng và y tá túc trực.
Nhưng ai cũng thèm nhớ những câu chuyện kể.
Về già, khi nhịp sống chậm lại, họ bắt đầu mơ mộng về khoảng thời gian
đã qua và họ cần người để cùng vui, cùng nhớ, cùng mường tượng.
Nên mỗi lần đi hoạt động cộng đồng, mình luôn muốn ngồi lại để lắng
nghe. Khi ấy, không còn cảm giác mình là một cậu bé hay một người từ
một sứ xở khác đến, các cụ đều cho rằng mình là một người bạn. Và khi ấy
mình cũng luôn thầm trách, khi còn ở nhà đã không dành nhiều thời gian
cho ông bà nội ngoại. Có thể ông bà mình cũng như thế, cũng mong muốn
có ai đó đi qua dừng lại và trò chuyện. Mà mình thì luôn chỉ ào đến, chào
hỏi một vài câu rồi vội vàng đi. Ôi, thật là áy náy quá.
Những chuyến đi hoạt động cộng đồng cho mình hiểu thêm về cuộc đời
ấm áp là thế.
Hoặc có lần mình ra công viên với người vô gia cư. Ở đây mình gặp một
bác chừng 60 tuổi. Bác kể cho mình nghe về mẹ bác. Khi mẹ bác mất, bác
còn đang đi làm ăn xa chưa kịp trở về. Khi ấy bác chỉ nghĩ, thôi, người già
thì ai cũng phải mất, cũng như một chuyến đi xa thôi mà. Đấy là cách bác
tự an ủi cho sự không trở về của mình trong ngày đưa tiễn mẹ về thế giới
bên kia.
Nhưng sau này, đó lại là điều làm bác day dứt nhất.