Ðiều rủi ro của Martin trong quân đội không ngăn cản sự nghiệp chính trị
của ông. Một năm sau vụ ở tòa án quân sự, ông trở thành đại biểu tại
Thượng viện Bắc Carolina trong suốt 8 năm (1778-1782, 1785 và 1787-
1788) và giữ chức Chủ tịch. Từ năm 1780 đến năm 1781, ông cũng tham
gia Hội đồng chiến tranh và Hội đồng đặc biệt của tiểu bang. Năm 1781,
Martin được bầu chọn làm Quyền Thống đốc và từ năm 1782 cho đến 1785,
ông là Thống đốc của tiểu bang này.
Sau một nhiệm kỳ tại Thượng viện Bắc Carolina, vào năm 1785, Martin đại
diện cho tiểu bang tại Quốc hội Hợp bang, nhưng năm 1787, ông xin từ
chức. Là một trong 5 đại biểu của Bắc Carolina tham dự Hội nghị Lập hiến,
Martin là đại biểu phản đối mạnh mẽ nhất quan điểm Liên bang. Ông đóng
vai trò nhỏ trong quá trình họp và rời Philadelphia vào cuối tháng Tám năm
1787, trước khi bản Hiến pháp được ký kết. Martin được đánh giá là một
chính trị gia tốt, nhưng không thích hợp với các cuộc tranh luận công khai.
Một đồng nghiệp của ông là Hugh Williamson, đã bình luận rằng Martin
cần thời gian để lấy lại uy tín và sức mạnh "để lại sử dụng những khả năng
của mình góp phần phát triển đất nước".
Dưới thể chế chính quyền liên bang mới, từ năm 1789 cho tới năm 1792,
Martin lại giữ chức Thống đốc Bắc Carolina. Sau năm 1790, ông rời bỏ
Ðảng Liên bang để gia nhập Ðảng Cộng hòa-Dân chủ. Năm 1792, Martin
được cơ quan lập pháp tiểu bang thuộc phe Cộng hòa chọn làm Thượng
nghị sĩ Liên bang. Việc ông bỏ phiếu ủng hộ các đạo luật Ngoại kiều và
Chống Nổi loạn đã khiến ông không được tái cử. Trở lại Bắc Carolina, năm
1804, Martin lại tham gia Thượng viện tiểu bang và năm 1805, là đại diện
cho quận Rockingham tại Hạ viện và lại giữ chức Chủ tịch. Từ năm 1790
tới năm 1807, ông là ủy viên quản trị của Trường đại học Bắc Carolina.
Martin không lấy vợ. Ông mất ngày 2 tháng Mười một năm 1807, thọ 67
tuổi và được chôn cất tại khu đồn điền "Danbury" của ông ở quận
Rockingham.