trong đắp đất nên hễ mưa là sụt.
Trị thủy sông Hoàng Hà và các công trình khác
Cũng vào thời điểm này (1444 - 1445) nước sông Hoàng Hà dâng to làm
vỡ đê, dân tình đói kém, chạy lụt náo loạn. Nguyễn An được cử cấp tốc đến
chỉ huy hàn khẩu những nơi xung yếu nhất và xây dựng, củng cố lại các
công trình trị thủy con sông này.
Sau đó, ông còn tiến hành trị thủy sông Tắc Dương ở thôn Dịch, nạo vét
sông Trạch Chư ở thôn Dương. Ông đích thân chỉ huy đào đắp các công
trình thủy lợi rất lớn. Năm 1449, Nguyễn An được cử đi tuần tra tuyến kênh
đào từ Thông Châu đến Nam Kinh.
Năm 1453, niên hiệu Cảnh Thái thứ tư, đời vua Minh Đại Tông (1450 -
1456), đê sông Trương Thu ở Sơn Đông bị vỡ, tu sửa mãi không xong. Khi
ấy Nguyễn An đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn được nhà vua cử đến trị thủy.
Công việc chưa xong thì ông mất, thọ 75 tuổi.
Nguyễn An, tức A Lưu, có công lao lớn và theo điển lệ được triều đình
cho xây lăng mộ huy hoàng. Nhưng trước khi chết, ông đã trăng trối hãy
chôn ông như một người dân thường và tất cả của cải ông được thưởng đem
phát chẩn hết cho dân chạy lụt ở Sơn Đông.
Công ấy ai hay?
Quả thật rất ít sử liệu trong nước cho biết về thân thế và sự nghiệp của
Nguyễn An. Chỉ thấy cách đây ba thế kỉ, Lê Quý Đôn dựa vào sách Hoàng
Minh thông kỉ ghi lại nhưng còn rất sơ sài.
Trong khi đó, rất nhiều sách xưa của Trưng Quốc, kể cả chính sử triều
Minh (Minh sử) đều có ghi chép về ông và sự kiện xây thành Bắc Kinh. Tuy
nhiên sử sách hiện đại thì hầu như không nhắc đến. Song vẫn có những
người công tâm. Nhà sử học Trương Tú Dân từng làm việc tại Thư viện Bắc
Kinh, đã sang tận Đài Bắc để thu thập tài liệu viết sách về Nguyễn An. Trên
tờ Ích Thế báo số ra ngày 11-11-1947, ông đã cho đăng bài: Thị dân Bắc
Kinh nên kỉ niệm Nguyễn An, người An Nam, Thái giám nhà Minh, Tổng
công trình sư tạo dựng lầu thành Bắc Kinh thế kỉ XV.