PHAN PHU TIÊN
(khoảng 1370/1371 - ?)
Chép thơ, nối sử cho đời
N
ói ông "chép thơ" là chỉ việc ông là người biên soạn bộ Việt âm thi tập, bộ
tuyển thơ văn đầu tiên của Việt Nam. Còn nói ông "nối sử" vì ông là người,
sau Lê Văn Hưu, viết tiếp bộ chính sử đầu tiên của nước ta - Đại Việt sử ký,
phần viết tiếp của ông được gọi là "Tục biên", chép các sự kiện lịch sử từ
thời Trần Thái Tông, vị vua khởi nghiệp nhà Trần, đến khi quân Minh bị
Bình Định Vương Lê Lợi đánh bại, phải rút về nước.
Nhà sử học, nhà thơ Phan Phu Tiên luôn được coi là một nhân vật lỗi lạc
của nền văn hiến Việt Nam qua mọi thòi đại. Mặc dù sự nghiệp của ông khá
sáng tỏ để ông xứng đáng được tôn vinh như vậy, song về cá nhân ông thì có
nhiều điều không được tỏ tường. Người ta không rõ ông gốc gác từ đâu, chỉ
biết rằng ông quê ở làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ngay đến
năm mất ông, vị Đồng tu sử ở Quốc sử quán của triều đình cũng không được
ghi lại, chỉ biết rằng ông mất ở quê vợ, xã Yên Quyết, nay thuộc Yên Hòa,
Từ Liêm, Hà Nội.
Năm 1396, niên hiệu Quang Thái thứ chín đời Trần Thuận Tông, ông thi
đỗ thái học sinh, tức tiến sĩ theo cách gọi thời bấy giờ. Đây là khoa thi cuối
cùng của nhà Trần, vì chỉ mấy năm sau, nhà Trần mất vào tay Hồ Quý Ly.
Sau khi thi đỗ, Phan Phu Tiên được bổ vào làm việc ở Quốc sử quán (chép
sử) và Quốc tử giám (dạy học). Nhưng cụ thể ông làm những việc gì và làm
đến bao giờ thì không được ghi lại. Bẵng đi đến năm 1429, nghĩa là 33 năm
sau, ta mới lại được biết ông ra ứng thí khoa thi Minh kinh năm Thuận
Thiên thứ hai dưới thời Lê Lợi, do Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân... làm
giám thí. Phan Phu Tiên đỗ thứ ba. Khi ấy ông đã gần 60 tuổi!