Con mãng xà Cuồng cấp này dài đến 172m, nặng đến hơn 18,6 tấn, hiện
tại đầu lâu của nó vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng quốc gia của nước
Doanh. Lúc ấy Hách Khải tò mò đến nhìn qua, phát hiện cái đầu lâu kia quả
thực lớn như một căn phòng nhỏ. Hơn nữa, trên đầu lâu của mãng xà còn
có hai cái sừng bằng xương. Nó căn bản đã không còn là mãng xà nữa rồi,
quả thực không khác gì giao long mà Hách Khải được biết.
Trong sách cũng không ghi lại tình hình thương vong của sáu võ đoàn
lúc ấy, Hách Khải tạm thời cho rằng sáu gã Nội Lực Cảnh đều chỉ bị
thương mà không chết, nhưng dù vậy cũng đã đủ kinh người rồi. Chỉ là một
con dã thú mà thôi, lại cần sáu gã Nội Lực Cảnh đồng thời vây công, mà
đoán chừng cũng có không ít Chuẩn Nội Lực Cảnh cùng các loại vũ khí
công nghệ cao hỗ trợ bên cạnh. Dã thú Cuồng cấp, có được thực lực Nội
Lực Cảnh, hơn nữa do khác biệt về kích thước cơ thể, nên nhân loại Nội
Lực Cảnh căn bản không thể nào một chọi một với dã thú Cuồng cấp.
Trong sách còn ghi chép, phía trên Cuồng cấp còn có dã thú Bạo cấp,
thế nhưng những con thú này đều chỉ tồn tại ở các khu vực cổ đại trong
truyền thuyết các quốc gia, bây giờ có còn hay không không thể biết được.
Nhưng có thể khẳng định chắc chắn, trên nữa nhất định là Bạo cấp, thậm
chí cao hơn nữa. . . Chính là con cự thú đã nuốt chửng cả một tòa thành ở
sâu trong Lam Hải kia, Thương Lam Cự Thú: Amon Hardy. Đây là từ ngữ
của văn minh sa mạc, có nghĩa là “tử vong phong bạo”. Cự thú này tối
thiểu cũng là Bạo cấp, thậm chí còn cao hơn, đây là thứ duy nhất cuốn sách
này khẳng định.
Ngoại trừ Thương Lam Cự Thú, trong lòng Lam Hải số lượng Hung,
Cuồng cấp Hải thú cũng rất nhiều, hàng năm đều có không dưới mười vạn
người chết trong các đợt Thú triều của Hải thú Lam Hải. Tàu chiến bọc
thép của hải quân các nước đều chỉ dám tuần tra ở ven biển, toàn bộ khu
vực bờ đông Lam Hải chỉ có Hải Thiên Quốc là quốc gia hàng hải lớn nhất
mới có năng lực và cũng dám vượt qua Lam Hải.