Lời giới thiệu
Ai cũng muốn biết tường tận về cái chết, nhưng chẳng mấy ai sẵn lòng
công nhận điều đó. Dù là để lường trước những sự kiện vào giây phút lâm
chung của bản thân, hay cao hơn nữa là để biết những điều sẽ xảy ra với
người thân đang trong cơn thập tử nhất sinh của mình – mà cũng có thể do
bẩm sinh ai cũng tò mò về cái chết – nên chúng ta không ngừng suy nghĩ về
giây phút cuối đời. Đối với hầu hết mọi người, cái chết vẫn là một bí ẩn, vừa
hấp dẫn vừa đáng sợ. Chúng ta bị những lo âu mà mình cho là hãi hùng nhất
lôi cuốn đến không thể cưỡng lại; bị lôi kéo về phía chúng bởi một niềm
phấn khích nguyên thủy, nảy sinh từ cảm giác thích đùa giỡn với hiểm nguy.
Con người và cái chết cũng không khác thiêu thân và ngọn lửa là mấy.
Về mặt tâm lý, có vẻ không ai trong chúng ta có thể đối mặt với suy nghĩ
về trạng thái chết của chính mình, nghĩa là trạng thái vô thức vĩnh viễn,
trạng thái không có khoảng không cũng không có khoảng không trống rỗng
– chỉ đơn giản là trạng thái hư không. Điều này dường như rất khác so với
cái “hư không” trước khi có sự sống. Cũng giống như với bất cứ nỗi kinh
hoàng hay sự cám dỗ lờ mờ nào khác, chúng ta tìm mọi cách để kháng cự
sức mạnh của cái chết cùng cảm giác ớn lạnh mà nó mang lại. Chính sự cận
kề của cái chết đã khơi dậy những phương pháp truyền thống (như các câu
chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, những giấc mơ và thậm chí là truyện cười)
mà chúng ta, dù vô tình hay hữu ý, vẫn dùng để che đậy thực tế về nó. Thời
nay, chúng ta đã thêm vào một điều mới: Chúng ta đã tạo ra cách chết hiện
đại. Cách chết hiện đại diễn ra trong bệnh viện hiện đại, nơi nó được che
giấu, được thanh tẩy khỏi sự tàn lụi hữu cơ, và cuối cùng là được gói ghém
vào để tiến hành lễ mai táng hiện đại. Giờ đây chúng ta có thể ngăn chặn sức
mạnh không chỉ của cái chết mà còn của cả chính tự nhiên. Chúng ta che
mắt để tránh phải nhìn, nhưng lại hé rộng các kẽ ngón tay thêm một chút,