cái ngày mà hàng triệu người châu Á bị áp bức thức tỉnh, họ sẽ trở thành
một lực lượng khổng lồ có thể lật đổ chủ nghĩa đế quốc và sẽ giúp những
người anh em ở phương Tây thực hiện sứ mạng giải phóng hoàn toàn khỏi
sự bóc lột của tư bản. châu Á sẽ đóng vai trò tích cực trong cách mạng thế
giới.
Nguyễn Ái Quốc cũng dùng ngòi bút của mình để xé toạc những bí ẩn
của nền văn minh Pháp rực rỡ. Trong một bài báo viết vào tháng 9 có tựa
đề “Nền văn minh ưu việt hơn”, ông chế nhạo ba trụ cột của cách mạng
Pháp là tự do, bình đẳng và bác ái, nêu ra những thí dụ về sự tàn ác của
Pháp như đã được kể lại trong nhật ký của một người lính Pháp. Trong một
bài báo ngắn được đăng vào tháng mười trên tờ Tự do (Le Liberte), ông kể
lại một thí dụ của chính ông rằng khi còn là sinh viên ở Quốc Học Huế năm
1908, ông đã chứng kiến một đồng môn bị một giáo viên người Pháp sỉ
nhục một cách tàn bạo. Ông nhận xét một cách châm chọc rằng việc này
xảy ra ngay dưới tấm bảng được treo ở mọi lớp học: HÃY YÊU NƯỚC
PHÁP, NƯỚC PHÁP BẢO VỆ BẠN.
Thái độ càng ngày càng trở nên cấp tiến của Nguyễn Ái Quốc khiến nhà
chức trách Pháp theo dõi ông rất sát sao. Đầu năm 1921, một lần nữa ông
lại bị triệu đến Bộ Thuộc địa để ông Albert Sarraut thẩm vấn. Bộ trưởng
tuyên bố:
“Nếu nước Pháp trao trả Đông Dương cho các anh thì các anh cũng
không quản lý được vì các anh không có đủ phương tiện”. Quốc trả lời
“Trái lại, hãy nhìn vào nước Xiêm và Nhật Bản. Nền văn minh của hai
nước này không lâu đời hơn nền văn minh của chúng tôi, thế mà họ vẫn
sánh ngang với các nước trên thế giới. Nếu Pháp trả lại đất nước cho
chúng tôi, nước Pháp chắc chắn sẽ thấy là chúng tôi biết cách quản lý nó”.
Khi nghe những lời này, ông Sarraut lảng sang chuyện khác.
Quyết định gia nhập Đảng cộng sản Pháp của Nguyễn Ái Quốc đã làm
tăng thêm sự căng thẳng vốn đã có từ trước ở căn hộ Villa des Gobelins,
nơi mà không phải tất cả các đồng sự đều tán thành những ý kiến của ông.
Trong thời gian hội nghị Tours, Trần Tiến Nam, một người bạn thân nhất