Hai ngày sau, tàu Dumont d'Urville tiến vào sông Cửa Cấm, cập cảng
Hải Phòng. Phái đoàn Việt Nam về tới đây từ hai tuần lễ trước, Phạm Văn
Đồng đã báo cáo kết quả cuộc thương lượng tại Fontainebleau cho những
đồng chí của ông ở Hà Nội. Tầu thuỷ cập cảng giữa buổi chiều, đại diện
chính phủ tổ chức buổi lễ ngắn tiếp đón chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước
sau bốn tháng ở nước ngoài. Hồ đề nghị đám đông hát bài “Marseillaise”
(quốc ca Pháp) cũng như quốc ca Việt Nam. Sau đó đoàn tới Trụ sở Uỷ ban
Hành chính Hải Phòng ăn tối, đồng thời Hồ kể chuyện chuyến đi của ông.
Sáng hôm sau, Hồ lên đoàn tầu hoả đặc biệt về thủ đô. Các thị trấn và
làng mạc dọc con đường được trang hoàng bằng một rừng cờ đỏ sao vàng,
đám đông tập hợp vẫy chào vị chủ tịch. Khi tầu hoả vào ga Hà Nội, Hồ
được đại diện chính phủ và Pháp tiếp đón, sau đó lên ô tô qua những đường
phố với những người đứng nhìn về Bắc Bộ Phủ. Tại đây ông thảo luận với
Trường Chinh và Ban Thường Vụ Đảng, trong khi hơn gần một trăm ngàn
người tập hợp trên những con phố xung quanh Bắc Bộ Phủ đón chào ông.
Tại sao Hồ Chí Minh chọn thời điểm này trở về Đông Dương? Câu hỏi
này gây ra nhiều tranh cãi chưa dứt. Lời giải thích của Hồ Chí Minh cho
người Pháp khó chấp nhận, vì trước đó ông chưa bao giờ để sức khoẻ của
mình ảnh hưởng đến các mục tiêu chính trị. Một số nhà sử học cho rằng
ông muốn để Võ Nguyên Giáp có đủ thời gian để dẹp những phần tử đối
lập ở Việt Nam và như vậy tăng sức mạnh chính phủ Hà Nội chuẩn bị cho
một cuộc chiến tranh toàn diện. Một số người khác lập luận, ông lo ngại
phản ứng bất lợi của bản tạm ước và muốn chậm trễ trở về để sự giận dữ
bớt đi. Nhưng Jean Sainteny đoán là có lẽ sợ bị ám sát nếu ông đi bằng máy
bay, theo các đồng chí của ông, Hồ Chí Minh khẳng định đó là mối quan
tâm chính.
Không hề nghi ngờ gì là Giáp đã sử dụng thời gian Hồ vắng mặt để tăng
cường sự kiểm soát của Đảng đối với với bộ máy chính phủ. Vào mùa hè,
căng thẳng giữa Việt Minh và những đảng phái chính trị không cộng sản đã
leo thang dẫn tới đụng độ vũ trang. Kết quả, một số nhân vật dân tộc chủ
nghĩa phải rút lui khỏi chính phủ, trong đó có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng