“Chúng tôi thiếu đủ mọi thứ. Chúng tôi không có mấy móc, không có
nguyên liệu, thậm chí không có công nhân lành nghề. Tài chính của chúng
tôi thâm hụt thảm hại. Bù lại nước ta dồi dào sông, núi, rừng và biển, nhân
dân chúng tôi mạnh mẽ, can đảm và tinh thần sáng tạo”.
Không phải tất cả mọi người trên tầu ngưỡng mộ ông. Thuyền trưởng
Gerbaud nhận xét mặc dù Hồ Chí Minh “thông minh và đáng mến”, nhưng
“là người quá say đắm lý tưởng, hoàn toàn hiến dâng đời mình cho sự
nghiệp mà ông ta tưởng tượng ra”. Theo quan điểm của Gerbaud, ông là
nhà cách mạng Việt Nam quá ngây thơ tin vào những khẩu hiệu mà ông
đưa ra hàng ngày. Theo lệnh thuyền trưởng, tầu thuỷ bắn thử một loạt đại
bác trên biển, một người Việt Nam trên tầu hỏi Hồ: “Họ đang thử thần kinh
ông đấy. Ông có sợ không?” Hồ Chí Minh cười ngất.
Tàu Dumont d'Urville tiến vào vịnh Cam Ranh xinh đẹp ngày 18-10-
1946. Tại đây, Hồ được Cao uỷ Thierry d'Argenlieu và tướng Louis
Morliere, (một quan chức cao cấp Pháp với chính phủ Việt Nam ở Hà Nội,
thay mặt Sainteny) tiếp đón trên tuần dương hạm Suffren. Đây là lần thứ
hai trong vòng bẩy tháng, Cao uỷ tiếp đón chủ tịch Việt Nam theo lễ nghi
chính thức trên biển. Sau khi Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự, Hồ,
d'Argenlieu và Morliere thảo luận cách thức thực thi bản tạm ước. Thủ
tướng Bidault đã gửi bản sao bức điện của Hồ Chí Minh về phản ứng Việt
Nam cho d'Argenlieu, chỉ thị cho d'Argenlieu, Toàn quyền Pháp ở Đông
Dương, phải phản ứng những gì ông thấy là đúng. Hai bên thống nhất một
số điểm. D'Argenlieu chấp thuận bổ nhiệm một đại diện của chính phủ Việt
Nam để cộng tác thực thi ngừng bắn, còn Hồ Chí Minh phản đối chính thức
những hành động khủng bố ở Nam Kỳ. Nhưng Hồ cương quyết bác bỏ yêu
cầu của Cao uỷ d'Argenlieu đòi tất cả binh sĩ Việt Nam ở các tỉnh Nam Việt
Nam tức khắc rút về miền Bắc. Tuy thế, cuộc họp kết thúc trong bầu không
khí tốt đẹp. D'Argenlieu báo cáo với Paris sự thành công phụ thuộc vào
những hành động của chính phủ Việt Nam ngay khi Hồ Chí Minh trở về Hà
Nội.