Trong rỗng ngoài cứng
Bắt làm đầy tớ
E chạm nhân tình.
Minh Tôn lấy làm lạ, lặng im, và không cho sử quan ghi lại chuyện này.
Bài thơ ấy không lọt ra triều đình, nhưng sau này bà Hoàng phi, mẹ Phủ,
đem chuyện nói ra cho anh ruột là Lê Quốc Kỳ, lúc đó làm kinh lược sứ
nghe. Kỳ bảo: “Con người này nhân hậu. Tất cả khẩu khí, và tương lai đều
hiện rõ trong bài thơ...”. Quốc Kỳ liền ngầm cho con trai là Quý Ly thường
xuyên đi lại với Trần Phủ. Quý Ly thông minh, học đâu biết đấy, văn võ
song toàn, nên được Phủ yêu quý lắm. Khi Trần Phủ làm hữu tướng quốc,
dùng Quý Ly làm người thân tín, chuyên thảo văn thư cơ mật, dần dần, từ
vai trò một anh thơ lại, Quý Ly trở thành cánh tay phải mưu lược của Trần
Phủ.
Lúc này, Quý Ly nói với Phủ:
- Thời cơ chỉ đến có một lần mà thôi. Bỏ lỡ sẽ hối tiếc thậm chí sẽ gây hoạ
cho cả nước, cho cả bản thân. Chỉ một lá thư triệu tập, bao nhiêu người đã
đổ xô đến, chứng tỏ lòng người đã ngả theo đại vương. Dù muốn hay
không, bây giờ đã có hai triều đình, một ở Thăng Long, một ở Tam Giang.
Dù muốn hay không, bây giờ trong mắt Nhật Lễ, đại vương đã là một đối
thủ chính cần phải nhổ bỏ. Dù đại vương nhân từ, song Nhật Lễ quyết
không bao giờ tha cho đại vương. Vả lại, đại vương có muốn để cơ nghiệp
nhà Trần biến thành của họ Dương hay không?
Trần Phủ im lặng, nhưng suy nghĩ rất nhiều.