quân thần đồng đức ».
Tháng hai năm Giáp Tuất (I394), dưới đời Thuận Tông, Nghệ Tông cho
vẽ tranh tứ phụ
để vuốt ve Quí Ly.
Tháng hai năm Ất Hợi (I395), đời Thuận Tông, Quí Ly thăng chức cao
nhứt trong triều là Phụ chính thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước
Tuyên trung vệ quốc Đại vương, tự xưng phụ chính cai giáo hoàng đế.
Tháng ba năm Mậu Dần (I398), Quí Ly tự xưng Khâm đức hưng liệt
đại vương quốc tổ nhiếp chính.
Sau 27 năm làm quan cho nhà Trần, từ một viên quan hầu tầm thường
trong cung điện, nhờ sự nâng đỡ của Nghệ Tông, Quí Ly vọt rất mau đến địa
vị tột đỉnh trong triều, nắm hết quyền hành trong nước.
Ta có thể bảo Quí Ly nhiều thủ đoạn và tàn nhẫn khi cần, chớ không
thể xem ông là kẻ nịnh thần được.
Để nắm được những quyền hành rộng rãi, để bảo vệ sanh mạng mình,
để san bằng những chướng ngại do phe đối lập lạc hậu và thủ cựu đưa ra,
những khi cần thiết, Quí Ly đã không từ bỏ những thủ đoạn tàn bạo, độc tài
đối với những địch thủ nguy hiểm hay các phe đối lập nhiều quyền thế.
Người ta bảo Quí Ly là kẻ kiêu hãnh, chuyên quyền. Điều đó đúng như
vậy.
Với một bộ óc siêu việt, những hiểu biết, những sáng kiến vượt không
gian và thời gian, đi trước người đồng thời hàng vài trăm năm, lẽ tự nhiên,
ông khó mà ngoan ngoãn đối với những ông vua bất tài, giá áo túi cơm lại
chơi bời phóng túng một cách phàm phu tục tử ; và tỏ ra độc tài đối với
những ông quan gàn dở lại tự mãn vô lối với cái học mọt sách, không đủ
trình độ trí thức hiểu nổi tầm mức quan trọng của chương trình cách mạng
rất khoa học của ông.
Trong hoàn cảnh của ông, kiên hãnh và chuyên quyền là tự nhiên, và có
lẽ mỗi người trong chúng ta cũng làm khi gặp những trường hợp như vậy !