chuyện ngáng cho nó té. Bằng cớ là mối quan hệ giữa Hòa và Gia Khanh càng ngày càng tỏ
ra mật thiết, bất chấp lời nhắn hỏi não nùng của Ngữ "Em là chim xứ lạ, có hiểu tình anh
không?". Hẳn là Gia Khanh không hiểu. Cũng có thể nó hiểu nhưng nó chơi cái tình "vờ".
Đằng nào thằng Ngữ cũng chết, tôi khoan khoái nghĩ thầm. Bạn bè thì bạn bè, trong cái vụ
"sao chổi Halley" này, "chết" được đứa nào hay đứa đó!
Ngữ "chết". Nhưng còn Hòa. Thằng Hòa sống nhăn răng, mà lại sống khỏe, sống... hạnh phúc
mới khổ cho thiên hạ chứ. Dạo này, nó đeo dính Gia Khanh như hình với bóng. Trên sấn
khấu, nó đứng cạnh Gia Khanh đã đành. Đến khi rời sân khấu, bước xuống... cuộc đời, can cớ
gì mà nó cứ lẽo đẽo đi theo Gia Khanh hoài. Hòa tham lam hệt như những người xếp hàng
giành chỗ mua vé cải lương. Nó không chịu lùi bước nhưng cho ai lấy một phút, dù người đó
là nhà thơ như Ngữ hay là "kẻ tu hành" như tôi.
Thấy Hòa độc chiếm người đẹp, Ngữ gai mắt giở giọng cà khịa:
- Làm gì mà mày cứ bám em Gia Khanh hoài vậy?
Hòa khinh khỉnh:
- Tụi tao đi tập văn nghệ, việc gì đến mày?
Lối ăn nói trịch thượng của Hòa khiến Ngữ tái mặt. Nhưng biết mình yếu thế, Ngữ đành
ngậm bồ hòn làm ngọt. Sửng cổ cãi lại, Ngữ sợ bị ghép vào tội trạng "ghen tị". Ghen tị thì
chẳng hay ho gì. Vì vậy, Ngữ lầm lũi bỏ đi. Nó đi xa lắc xa lơ mà tôi còn nghe tiếng nó nghiến
răng ken két.
Tôi lặng lẽ chứng kiến cuộc đối thoại ngắn ngủi nhưng đầy kịch tính giữa hai đối thủ. Và tôi
bỗng phát hiện ra so với âm nhạc, thơ ca chẳng là cái quái gì. Thơ ca chỉ là tép riu. Nhà thơ
Ngu Kha đụng đâu hỏng đó trong khi ca sĩ Hòa lé chẳng cần sử dụng đến đôi mắt lé của
mình vẫn chinh phục được người đẹp Halley.
Tôi vừa ghen ghét Hòa vừa ngưỡng mộ nó. Thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, triết gia rốt lại chẳng bằng
cái anh ca sĩ. Ca sĩ được lên sân khấu, được biểu diễn trước hàng ngàn cặp mắt, lại còn được
hát... song ca. Từ giờ phút đó, tôi mơ ước trở thành ca sĩ. Tôi thèm địa vị của Hòa. Tôi sẽ