khỏe, vì Ân biết rõ là mình lớn và khỏe hơn nó, vậy nên, nếu như Ân đánh
lại nó, thấy nó đau, nó khóc thì Ân sợ lắm!
Một lần, xem vô tuyến, Ân thấy anh Văn của Ân đóng vai một anh thiếu
niên bị giặc bắn chết, thế là Ân òa lên khóc. Mẹ dỗ Ân: “Lúc đó anh Văn
chết giả vờ thôi. Bây giờ anh Văn đang ngồi cạnh Ân, xem vô tuyến với Ân
cơ mà”. Biết vậy nhưng Ân vẫn không sao nguôi được, Ân vẫn thương cái
anh thiếu niên trong câu chuyện anh Văn đóng vai kia, anh ấy chết thật rồi!
Vì cái tính như vậy nên ai cũng hay trêu Ân, có những lần anh Văn còn kể
chuyện ma để dọa Ân nữa.
Anh Văn thì khác hẳn. Anh có thể ra ngoài đêm tối một mình kể cả những
đêm mất điện. Anh thích xem đánh nhau và có lần trông thấy người chết
anh cũng không sợ. Năm nay anh Văn mười ba tuổi, anh giúp mẹ được
nhiều việc: anh mua dầu, đong gạo cho mẹ, xách nước, mua rau cho mẹ.
Mẹ sai làm việc gì, anh làm một loáng là xong ngay, làm xong anh đi chơi
mải miết tới bữa cơm mới về. Mẹ vẫn khen anh là có tinh thần trách nhiệm
trong học tập và trong cả việc nhà. Còn Ân thì mẹ chê là yếu đuối, nhút
nhát. Bảy tuổi rồi mà còn sợ cả mèo lẫn gà.
Hình như mẹ có ý yêu anh Văn hơn, điều đó thì Ân chả dám tỵ, nhưng nếu
mẹ cho là anh Văn yêu mẹ hơn thì Ân chẳng chịu. Ân yêu mẹ lắm chứ. Mỗi
lần ngồi nhìn mẹ nấu cơm, chải đầu hay vá quần áo là Ân sà vào lòng mẹ,
ôm cổ mẹ. Ân muốn nói với mẹ là: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm”, nhưng rồi Ân
chả dám nói. Ân chỉ nhìn vào mặt mẹ rồi lùa những ngón tay bé nhỏ vào
trong tóc mẹ và mỉm cười ngượng nghịu. Mẹ đi đâu một tý, Ân cũng nhớ.
Ngay cả lúc mẹ ở nhà Ân cũng nhớ vì lúc đó Ân lại nghĩ đến khi mẹ đi.
Một buổi trưa đi học về, Ân thấy anh Văn ngồi ăn cơm một mình. Anh Văn
bảo mẹ trưa nay không về được, có bác ở cơ quan mẹ đến bảo là mẹ bị đau
ruột thừa, sáng nay các bác đã đưa mẹ vào bệnh viện Việt-Đức. Chắc là
phải mổ.
- Anh Văn ơi – Ân run lên – anh đưa em vào thăm mẹ đi.