Xuân Quỳnh
Hoa mận trắng
BẠN LỘC
Các bạn lớp tôi thường gọi Lộc là “Lộc còi” vì Lộc bé lắm, mười một tuổi
mà bằng đứa chín tuổi. Hẳn vì “còi” nên Lộc có vẻ yếu, thường hôm nào
học năm tiết, tiết học hát cuối cùng là Lộc hát chẳng ra hơi, có khi cứ dựa
vào tập thể mà Lộc chỉ lí nhí hoặc mấp máy mồm hát theo thôi. Người ta
bảo thể lực yếu thì thường học kém, thế mà Lộc học chẳng kém. Còn tôi,
trông tôi có vẻ cao lớn hơn Lộc thì học lại chẳng giỏi giang gì. Tôi kém
nhất là môn Toán. Cô giáo phân công Lộc giúp đỡ tôi về môn này. Không
hiểu sao, mỗi lần giúp tôi học, Lộc thích đến nhà tôi hơn là tôi đến nhà Lộc.
Nói cho đúng thì từ đầu năm học, tôi chưa đến nhà Lộc lần nào. Tính Lộc
rủ rỉ ít nói. Mẹ tôi rất mến Lộc. Mẹ thường hay nêu Lộc để làm gương cho
tôi. Mẹ làm tôi lắm khi tự ái. Mẹ nói là Lộc bé mà học giỏi, chăm, ngoan,
lại nền nếp cẩn thận… Có thể những điều trên mẹ tôi nói đúng, nhưng riêng
cái điểm cẩn thận thì tôi không chịu. Tôi nghĩ rằng Lộc “ky bo” thì có. Cả
lớp tôi chúng nó đều nhận xét thế. Lộc có cái cặp xách đã cũ mà cứ quý
như vàng, không bao giờ vứt cặp xuống đất, không bao giờ dám ngồi lên
cặp. Có cái bút máy Trường Sơn nét đã to bè, thế mà cứ viết viết cất cất chi
chút, chỉ dám viết cái bút ấy vào những buổi kiểm tra bài, còn ngày thường
thì Lộc viết bút chấm mực. Có một số bạn trong lớp hay trêu Lộc là “Lộc
ky”, “Lộc cộc đuôi”… Mỗi lần như vậy Lộc chỉ mỉm cười hiền lành. Khi
nào tức quá thì Lộc tách khỏi chúng tôi, đi lùi lũi một mình.
Một hôm, tôi tự giải một bài toán ở nhà không sao giải được. Tôi tìm đến
nhà Lộc trước giờ đến lớp buổi chiều. Vừa bước vào nhà, tôi trông thấy
một người đàn ông tóc đã đốm bạc đang ngồi loay hoay giữa một đống dép
nhựa ở góc nhà. Tôi đoán là bố Lộc:
- Cháu chào bác… Bạn Lộc có nhà không ạ?
Người đàn ông ngẩng lên nhìn về phía tôi, tôi chợt nhận ra trong hai con
ngươi của bác có hai đốm trắng nhỏ. Bác lên tiếng gọi: