này sẽ chẳng bao giờ được đăng ở những chuyên mục như Chính trị hay
Thể thao.
Thế nhưng các bài báo trong ngày mùng năm tháng Tám không nhắc gì
tới cái chết của Marilyn Monroe. Có lẽ do lệch múi giờ nên báo chí thời đó
không kịp đưa tin.
Song trang nhất các báo hôm sau, ngày mùng sáu cũng không đăng tin
về cái chết của bà. Sota cảm thấy lạ, lật tiếp các trang khác thì thấy ở phần
cuối trang chuyên mục Xã hội có một mẩu tin nhỏ tiêu đề Monroe đột tử.
Nguyên nhân cái chết được cho là uống thuốc ngủ quá liều, nhiều khả năng
là tự sát. Phần còn lại chỉ giới thiệu qua loa về sự nghiệp của Marilyn
Monroe.
“Hả, chỉ có thế này thôi sao?” Rino tỏ vẻ thất vọng. “Hồi Michael
Jackson chết báo chí làm rùm beng lắm mà.”
“Chắc do khác thời đại thôi. Thời đó với người Nhật thì Mỹ vẫn là một
đất nước xa lạ mà. Bà lão nói chuyện với chúng ta cũng chỉ biết đó là một
nữ diễn viên nước ngoài thôi chứ có biết cái tên Marilyn Monroe đâu.
Nghĩa là bà ấy có thể nổi tiếng trong giới mê phim ảnh nhưng không được
biết đến nhiều ở Nhật. Vậy nên việc bà ấy mất chỉ được đăng trong một
mẩu tin nhỏ. Mà được đăng lên báo thôi cũng ghê rồi còn gì.”
“Hừm, ra là thế.” Rino cũng tỏ vẻ đồng tình.
Họ tiếp tục lật các trang báo khác nhưng không tìm thấy tin gì liên quan
đến cái chết của Marilyn Monroe. Theo Sota tìm hiểu trên mạng thì có vài
bí ẩn xung quanh cái chết của bà. Có thể vì ở Mỹ lúc đó cũng không có
thông tin chính xác nên các tờ báo Nhật chưa thể viết thành bài được.
Thật ra, mục đích của hai người vốn không phải tìm hiểu về cái chết của
nữ diễn viên Hollywood này. Họ tới đây là để tìm kiếm thông tin về vụ án
người đàn ông hâm mộ bà đã phát điên và gây ra thảm sát hàng loạt.
Hai người lục tung các bài báo trong tháng Tám nhưng không tìm được
gì đáng kể. Lúc này đã hơn bảy giờ tối nên họ buộc phải khẩn trương.
“Chúng ta chia ra tìm đi. Tôi sẽ tìm phần tháng Chín còn cô tìm tháng
Mười nhé!”
“Được.”