Diễm Quỷ, Tư Phàm, Hoàn Khố hay Báo Ân Ký, tất cả mỗi câu truyện
đều mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa riêng, đòi hỏi người đọc phải thật
chú tâm, phải thả mình vào trong đó, phải thật tinh tế cảm nhận và tự
nghiệm ra cho mình những bài học. Đôi khi thả mình theo mạch cảm xúc
của truyện, người đọc thấy thật đau, thật thương tâm, tự hỏi: “Tại sao lại có
thể ngược đến thế?”, “Tại sao họ lại làm khổ nhau nhiều như thế?”…
Nhưng những cái “ngược” trong truyện của Hoan Hỉ không hề vô lý, trái
lại, nó vô cùng có ý nghĩa. Cảm được cái “ngược” trong truyện của Hoan
Hỉ, là phần nào cảm được cái thần của truyện, cảm được một tâm hồn văn
chương đẹp đẽ.
Tôi yêu tất cả những câu truyện huyền huyễn của Công Tử Hoan Hỉ,
nhưng bộ truyện khiến tôi nặng lòng nhất, khiến tôi phải trăn trở nhất, đó
chính là Hoàn Khố. Mỗi lần đọc Hoàn Khố là lại thêm một lần tôi nhận ra
điều gì đó mà mình còn bỏ sót trong lần đọc trước, cứ như vậy, càng lúc tôi
càng yêu bộ truyện này hơn. Từng nhân vật trong truyện đều có cái đáng
giận, nhưng cũng có cái đáng thương. Họ mang trong mình nhiều cung bậc
tình cảm mà chính họ cũng còn chưa hiểu hết, bởi vậy mới dẫn đến những
bi kịch đáng buồn… Nhưng trải qua những nỗi đau, họ mới dần trưởng
thành hơn, nhận ra cái mà mình thực sự cần và trân trọng.
Ly Thanh và Lan Uyên, hai người họ đều có chút ngốc nghếch, e sợ
tổn thương nên thận trọng dè chừng, thử thăm dò lẫn nhau. Hai người đều
không hiểu tâm tư của nhau, trải qua ngầm mưu tính kế, trải qua thương
tâm, rồi qua hối hận, để cuối cùng dẫn đến vướng mắc mấy trăm năm mới
có thể minh bạch toàn bộ. Tới khi đó mới giật mình tỉnh ngộ, “tình yêu” hai
chữ bất quá là hỏi một câu thích hay không thích…
***
Ly Thanh – Hồ vương lãnh mạc.