Mọi người lĩnh mệnh rời đi, Phượng Tri Vi chắp tay nhìn trời, nghĩ
điểm cứu trợ thiên tai đặt ở huyện Bình Dã, đám người này vội vàng chạy
đi, bên kia hẳn là đã chuẩn bị ổn thỏa hết rồi.
Chắn không bằng khơi(1), khuyên can không bằng trực tiếp dụ dỗ.
Nếu cứ phí nước bọt tận tình khuyên bảo ở bên ngoài hoặc là xông vào gây
sự, thì chi bằng dùng một đống bạc vẫy vẫy đằng xa, cho bọn họ tự động
giải tán.
(1)Tương truyền khi vua Nghiêu lên ngôi đã phái Cổn đi trị thủy, ông
ta chỉ biết đắp đê xây đập cho cao để ngăn lũ, dần dã nước lũ không có chỗ
thoát, nhiều lần phá vỡ đê, nạn hồng thủy không sao trị dứt được. Đến khi
vua Thuấn lên ngôi, biết việc này đã cho xử tử Cổn và cho con trai ông là
Vũ kế tục công việc này. Thay vì đắp đê xây đập, Vũ dùng cách đào kênh
mương khơi thông dòng chảy, dẫn nước vào đồng ruộng, đồng thời nạo vét
lòng sông, giúp nước lũ có chỗ thoát đi, tránh được nạn hồng thủy, do đó có
câu “chắn không bằng khơi”. Nghĩa bóng của nó là không nên giải quyết
vấn đề theo kiểu đơn giản thô bạo, mà nên tìm cách khéo léo khơi thông
chỗ bế tắc.
Muốn mở kho phát lương, chắc chắn sẽ bị quan coi kho lương cản trở,
cho một vị Thế tử có địa vị đặc biệt như Hách Liên Tranh và Diêu Dương
Vũ con trai Thủ phụ ra mặt thì còn gì thích hợp hơn.
Kế đó nàng kéo Cố Nam Y đi, tìm hai thôn dân đổi sang áo vải.
“Cố huynh.” Nàng nghĩ đến một chuyện, nói với Cố Nam Y, “Đợi đến
khi đám đông bắt đầu sơ tán, huynh hãy đứng trên cao để ý giúp tôi xem có
gì không ổn thì báo hiệu cho tôi biết.”
Cố Nam Y bình tĩnh ăn hồ đào, vĩnh viễn đứng cách nàng ba bước,
vươn tay ra là có thể với được.