nhưng cô không từ bỏ. Chiếc máy bay của cô đã được chuyển tới California
để sửa chữa và cô lên kế hoạch cho lần thử nghiệm tiếp theo.
Hai năm sau đó, vào tháng 6/1937, Earhart khởi động lại chuyến du hành
quanh thế giới theo đường bờ biển về hướng Đông. Cô nói, “Tôi cảm giác
mình sẽ có một chuyến bay tuyệt hơn hàng loạt các chuyến bay khác của
tôi và tôi hy vọng đó là chuyến bay này. Dù sao đi nữa, khi kết thúc chuyến
bay này, tôi đã có ý định từ bỏ những chuyến bay dài mang tính ‘biểu diễn’
này”. Tới cuối tháng 5, cô và hoa tiêu của mình, Frederick Noonan, đã bay
được khoảng 35.405km. Khi cất cánh từ New Guinea vào ngày 2/7, họ tràn
đầy hy vọng bởi họ chỉ còn cách mục tiêu hơn 11.000km nữa. Nhưng họ đã
không bao giờ quay lại, dù tàu hải quân Hoa Kỳ đã tích cực tìm kiếm,
nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của họ hay chiếc máy bay.
CÁI GIÁ CỦA SỰ MẠO HIỂM
Nếu có ai đó được nói chuyện với Earhart trong những giờ phút cuối
cùng của cô, tôi tin rằng cô không cho thấy bất kỳ sự hối tiếc nào vì những
gì cô đã nỗ lực thực hiện. Cô từng nói, “Đôi khi, phụ nữ nên tự làm những
việc mà đàn ông từng làm, thậm chí cả những việc chính đàn ông cũng
chưa từng làm. Những điều đó sẽ làm nên con người họ, và có thể động
viên những người phụ nữ khác suy nghĩ cũng như hành động độc lập hơn.
Những suy nghĩ đó là lý do khiến tôi muốn thực hiện những gì tôi muốn
làm.”
Để đạt được những mục tiêu giá trị, bạn buộc phải mạo hiểm. Amelia
Earhart tin vào điều đó, và lời khuyên của cô rất đơn giản và cụ thể, “Hãy
quyết định mục tiêu đó có đáng để mạo hiểm hay không. Nếu có, hãy
quẳng gánh lo đi.”
Sự thực là mọi thứ trong cuộc sống đều cần mạo hiểm. Nếu bạn muốn
tránh mọi rủi ro thì đừng làm bất kỳ việc nào dưới đây:
Không đi ô tô – ô tô gây ra 20% số tai nạn chết người.