Đó là tâm trạng trong tranh ông, từ trong tính cách của ông mà ra. Sinh
trưởng trong một gia đình giàu có, ông phân phát hết tiền bạc của cải của
mình cho bạn bè và họ hàng ngay trước khi nhà Nguyên sụp đổ, rồi núp
dưới nhiều tên khác nhau, ông một mình nay đây mai đó trong các hồ động
vùng Giang Nam. Ông ghê tởm đám đông, và cũng như Mễ Phi, có tật phải
ăn ở cực kỳ sạch sẽ. Chỉ khi một mình bên hồ vắng ông mới được thảnh
thơi đầu óc.
Ảnh hưởng của Nghê Toản sau này có thể thấy ở Thẩm Chu và Văn Trưng
Minh trong thế kỷ tiếp theo. Ở Nghê Toản, thiên nhiên xoa dịu chứ không
kích động. Ông là hiện thân của một linh hồn tinh khiết, và chỉ có ông mới
như vậy mà thôi. Cách nhìn tinh khiết ấy về sau bị nhóm Tứ Vương xóa
sạch khi họ khởi sự phong trào sao chép một cách nô lệ mà hoành tráng
nghệ thuật cổ.
Dường như với Triệu Mạnh Phủ và Nghê Lâm Vân, linh hồn con người đã
được thanh thản, mặc dù vẫn chưa tìm thấy niềm vui và cái ấm cúng trong
cuộc đời bình dị của kiếp người.
Dưới đây là một đoạn điển hình nói về Văn Nhân Họa. Nghê Toản đã bị
người đời coi là khó hiểu và uyên áo (thâm trầm), gọi ông là “Nghê Uyên”.]
Cái ta gọi là vẽ chỉ là một vài đường bút đơn giản, chớp nhoáng và lãng
mạn. Vẽ không cốt giống hình thức, mà chỉ là để thỏa mãn mình. Vừa rồi ta
vào phố, bị người ta vây lấy đòi vẽ thế này thế kia, lại còn đòi bao giờ phải
xong. Thật là bị xúc phạm đủ đường. Thiên hạ thật lạ! Làm như có thể đổ
lỗi cho hoạn quan chỉ vì họ không có râu vậy!
Cao Khắc Cung (hiệu là Phòng Sơn, 1248-1310) là một trong số những
người cắt đứt được với thiên hạ bỉ ổi và biết cẩn trọng giấu giếm tài năng
của mình. Ông sống khiêm nhường ở Hàng Châu. Những hôm nhàn rỗi, ông
chống gậy ra sông Tiền Đường với một bầu rượu và một tập thơ. Ông ngồi
đó, ngắm nhìn núi non xung quanh, vui với những làn thu thủy nét xuân sơn
ở khắp quanh mình. Giữa việc công và việc sách, ông còn vẽ tranh để hiển
ý những điều đang đòi được hiển ý vậy.