Tùng Long đã bước sớm hơn Quỳnh Giao một thập niên.
***
Nhà văn Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1-8-1915 tại Đà
Nẵng, quê nội ở thị xã Hội An. Khi cha về Hội An khai sinh cho con, nhân viên hộ tịch ghi ngày 21-4-
1915. Sở dĩ có sự ghi sai ngày sinh của bà như vậy vì bấy giờ Đà Nẵng (tức Touranne) là
thuộc địa của thực dân Pháp, nên thân phụ của bà không muốn con mình là dân xứ thuộc địa, mới về
Hội An, quê nội, làm giấy khai sinh cho con. Còn ngày tháng trong khai sinh ghi lộn xộn là vì lý do
chính trị: Thân sinh của bà lúc đầu làm việc trong một công ty tư của ngoại quốc, có tham gia phong
trào Duy Tân do nhà cách mạng Phan Thành Tài (cha của Phan Bá Lân và Phan Thuyết, sau này là giáo
sư các trường trung học tư thục Chấn Thanh và Đạt Đức) dẫn đầu. Thân phụ bà làm liên lạc viên cho
phong trào. Khi phong trào tan vỡ, ông Phan Thành Tài bị thực dân Pháp bắt đưa lên đoạn đầu đài, và
một số khác bị đày Côn Đảo.
Trước hiểm họa ấy, thân mẫu bà lánh về Hội An ẩn náu với mẹ chồng. Bấy giờ bà nội của bà cũng
đã già yếu. Vì chữ hiếu, buộc lòng thân phụ bà phải thi vào sở Douanes (Thương chánh - nay gọi là
Hải quan). Đó là lý do cô bé Lê Thị Bạch Vân khai sinh ở Hội An và ghi lệch ngày chào đời ở Đà
Nẵng.
Vừa rồi, ngày 1 tháng 8, các con của bà có tổ chức buổi tiệc họp mặt mừng mẹ tám mươi tuổi, ngày
đó đúng là sinh nhật của bà.
Thời gian thân phụ bà làm việc tại Sở Thương chánh Đà Nẵng, bà theo học hết bậc tiểu học tại đây,
rồi ra Huế học trường trung học Đồng Khánh.
Năm 1932, thân phụ bà đổi vào Sở Douanes Sài Gòn thì bà học những năm cuối ban trung học tại
Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Nữ trung học Bản xứ), vì nữ sinh mặc đồng phục áo dài màu
tím, cho nên người Sài Gòn quen gọi là trường Áo Tím (Sau đổi lại là trường Gia Long, mãi cho đến
sau ngày miền Nam giải phóng, trường đổi tên trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cho đến
nay).
Bà đã viết cho trang Phụ Nữ của báo Sài Thành (sau đổi tên là Sàigòn Mới) hồi còn ngồi ghế nhà
trường. Ngoài bút danh Bà Tùng Long, bà còn ký Lê Thị Bạch Vân.
Riêng bút danh “Bà Tùng Long” bà đã ký trong mục Gỡ Rối Tơ Lòng cho nhật báo Sàigòn Mới,
mục Tâm Tình Cởi Mở cho nhật báo Tiếng Vang, và trên sáu mươi đầu sách đã xuất bản, với mười
mấy truyện dài đăng báo chưa in ra sách.