Trong một thửa ruộng ngay sát chân đồi, một đám hơn mười người con gái,
công việc đã xong, ngồi nghỉ trên những bó lúa xếp thành từng đống ở bên
vệ đường để chờ bọn đàn ông trở lại gánh nốt.
Thấy người lữ hành một cô trỏ bạn:
- Chị em ôi, nhà tôi đã về kia kìa...
Mọi người cười rộ. Một cô nữa hát ví:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài nhời
Đi đâu vội mấy anh ôi?
Công việc đã có chị tôi ở nhà.
Các cô vỗ tay, cười rũ rượi. Lữ khách như đã biết tiếng con gái vùng Bắc
đáo để, cắm đầu rảo bước trên đường, không ngảnh cổ lại. Thì cô hát ví lại
đứng dậy như muốn chạy đuổi theo và gọi:
- Này anh, anh đưa va li đây em xách cho. Khốn nạn, thương hại! Nhà tôi
đi đường mệt nhọc, mồ hôi, mồ kê thế kia kìa...
Lữ khách đi đã xa, còn nghe văng vẳng sau lưng câu hát ghẹo:
Anh về kẻo tối, anh ơi, Kẻo bác mẹ mắng rằng tôi dỗ dành.
Qua cánh đồng lúa, lữ khách đi vào một con đường tối, giữa hai đồi cây cối
um tùm. Đường đã gồ ghề lại phải lên dốc, nên lữ khách mệt nhoài, đặt va
li xuống, ngồi thở.
Lúc bấy giờ, ở vườn sắn bên đồi một chú tiểu quần nâu áo nâu, chân đi đôi
dép quai ngang sơ sài, đầu đội cái thúng đầy sắn, đương lần từng bước leo
xuống con đường hẻm. Thốt gặp người lại, chú bẽn lẽn, hai má đỏ bừng.
Có lẽ vì chú tu hành ở vùng quê, không trông thấy người vận tây mấy khi,
nên chú sợ hãi chăng?
Người kia thấy chú giật lùi lại một bước, thì mỉm cười ngả mũ chào, rồi
hỏi:
- Thưa chú, chú làm ơn bảo giùm cho từ đây vào chùa Long Giáng đường
còn xa hay gần?
Chú tiểu tò mò nhìn lữ khách, hỏi lại:
- Thưa ông, ông có phải là ông Ngọc không?
- Vâng chính phải tôi là Ngọc, nhưng sao chú biết?