khiến họ li dị hoặc lí do khiến cha ít đến thăm tôi. Tôi không biết. Nhưng
tôi biết một điều: mẹ tôi thương tôi, và nếu tôi vào được Harvard, cha tôi
cũng chắc chắn sẽ thương tôi.
Đó là tất cả những gì tôi thật sự muốn: được yêu thương. Và được tôn
trọng, có lẽ tôi nên thêm vào. Mọi thứ khác chỉ đơn giản là bản sao của sự
thật này. Có lẽ đó cũng là sự thật của bạn.
Cha tôi đã học ở Harvard (ông đã được an táng vào năm 2007, đeo chiếc
cà-vạt của sinh viên Harvard khóa năm 45). Vì vậy vào năm 1969, tôi có
thể đi học ở trường đại học nào khác? Cha chọn chuyên ngành cho tôi
(Kinh tế học) và một trong những công ty bất động sản của ông là cơ sở
cho tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học. Tôi cảm thấy những lựa
chọn đó sẽ mang tôi lại gần cha hơn, nhưng trái tim tôi không có trong đó.
Vào thời điểm tốt nghiệp, việc mua bán địa ốc bị ế ẩm, vì vậy thay vì đi
học tiếp hay làm việc, tôi xách ba lô đi vòng quanh thế giới trong một năm.
Đó là một lựa chọn “không được xã hội chấp nhận”, nhưng nó là kinh
nghiệm quan trọng nhất cho tuổi trẻ của tôi.
Tôi đã học được rằng tôi có thể tự chăm sóc mình và có rất nhiều cách để
sống. Tôi đã học về lòng trắc ẩn, một điều gì đó còn thiếu trong học vấn
của tôi trước đây. Tôi đã làm việc cùng những trẻ em ở những vùng nghèo
khổ của Ấn Độ và Nam Thái Bình Dương. Tôi đã trang trải cho bản thân
bằng cách sắp xếp một thương vụ xuất nhập khẩu cho cha. Việc làm này trả
được tiền cho chuyến đi và cũng kiếm cho cha được nhiều tiền.
Tuy nhiên, khi trở về nhà ở Mỹ, một lần nữa tôi đã cảm thấy sự hấp dẫn
không thể cưỡng lại được của Harvard. Tôi đã đến gặp Giáo sư John
Lintner, chủ nhiệm của chương trình tiến sĩ kinh doanh-kinh tế học liên kết
giữa Trường Kinh Doanh Harvard và Trường Nghệ Thuật và Khoa Học
Bậc Sau Đại Học (Graduate School of Arts and Sciences). Ông đã bác đơn
của tôi bởi vì điểm số đại học của tôi quá thấp. Nhưng tôi đã không từ bỏ,
quay lại mỗi ngày, ngồi bên ngoài văn phòng của ông, làm quen thư kí của
ông.