một góc nhỏ trong phòng ngủ trên lầu của Warren, nơi cả hai làm việc kề
vai sát cánh bên nhau.
Thậm chí Warren đã nhận ra rằng các chồng hồ sơ lưu, các hóa đơn
chứng từ và các cổ phiếu giao dịch đã lên đến giới hạn mà ông không thể
tự quản lý một mình tại nhà. Tuy nhiên, ông vẫn không muốn tốn chi phí
quản lý.
Nếu tính cả các khoản đầu tư cá nhân bên ngoài công ty của ông, xấp xỉ
nửa triệu đô la, thì giờ đây ông đã là triệu phú ở tuổi ba mươi.
Ông
thuê một văn phòng ở Kiewit Plaza, một tòa nhà mới lát đá hoa cương
trắng ngay trên đường Farnam cách nhà ông khoảng 20 con phố và cách
khu trung tâm gần 2 dặm. Ông và cha mình chia diện tích thuê và cùng
thuê một nhân viên thư ký. Đó cũng là mục tiêu lâu dài của Warren. Sức
khỏe của Howard ngày càng suy giảm thấy rõ, nhưng ông vẫn cố gắng
một cách mạo hiểm bước vào văn phòng trong tư thế rắn rỏi. Sắc mặt
Warren tối sầm lại mỗi khi ông nhận được những thông tin xấu về sức
khỏe của cha mình, nhưng hầu như ông luôn tránh việc tìm hiểu chi tiết.
Người thư ký mới ra sức bảo Warren làm điều này điều nọ. “Bà ấy nghĩ
mình là một bà mẹ có trách nhiệm định hướng cho cuộc đời tôi.”
Không ai có thể “lái” Warren Buffett. Ông cho bà ấy nghỉ việc ngay lập
tức.
Nhưng ông cần sự giúp đỡ. Ngay trước khi chuyển vào văn phòng mới
tại Kiewit Plaza, ông thuê Bill Scott, một nhân viên phụ trách giao dịch
của các tập đoàn tại Ngân hàng Trung ương Mỹ. Bill đọc một bài báo
trên tờ Commercial & Financial Chronicle và biết rằng Warren đã vực
dậy một công ty bảo hiểm đang bên bờ vực thẳm. Scott đăng ký tham dự
một khóa giảng dạy về đầu tư của Buffett và về sau nói rằng: “Tôi đặt
mục tiêu bám riết ông ấy cho tới khi nào tôi có được một chỗ làm trong
văn phòng của ông ấy.” Buffett bắt đầu bằng việc tới thăm nhà Scott vào
các sáng Chủ nhật sau khi bỏ bọn trẻ đi nhà thờ. Ông nói chuyện với
Scott về chứng khoán cho đến một ngày nọ, ông quyết định trao cho anh
ta một công việc.