Tuy nhiên, niềm tin của dân chúng nói chung vẫn tiếp tục là các
chứng khoán phái sinh sẽ lan rộng và là kênh đầu tư ít rủi ro. Trong
một thị trường chuyển động hướng lên nhờ các khoản nợ giá rẻ và các
chứng khoán phái sinh được mua bán gần như hàng ngày, thì lãi
suất thấp và sự “chứng khoán hóa” các khoản thế chấp thành các
khoản phái sinh lại góp phần bơm hơi vào cái bong bóng bất động
sản để nó phình to nhất vào năm 2006. Một người nào đó ước tính
rằng, tổng số nợ đòn bẩy đã tăng lên gấp bốn lần trong vòng
chưa đầy một thập kỷ.
Thỉnh thoảng Buffett lại bứt rứt không
yên khi nghĩ rằng có thể ông không bao giờ nhìn thấy một môi
trường thuận lợi để đầu tư như trong những năm 1970. Nhưng ông
không bao giờ ngừng tìm kiếm, cũng như không bao giờ ngừng đào
bới để tìm ra những ý tưởng mới.
Một ngày nọ vào năm 2004 ông nhận được từ một nhà môi giới
của mình một cuốn sách dày cỡ nhiều cuốn danh bạ điện thoại
kết lại với nhau, bên trong là danh mục cổ phiếu của các công ty
Hàn Quốc. Ông đã lùng sục cả nền kinh tế thế giới để tìm một
quốc gia, một thị trường nào đó bị bỏ qua và bị định giá thấp. Và
ông đã tìm ra nó ở Hàn Quốc. Hết đêm này sang đêm khác, ông
nghiền ngẫm bộ sách từ cột này đến cột khác, trang này đến trang
khác. Nhưng các con số và các thuật ngữ như đánh đố ông. Ông
nhận ra rằng mình cần học một ngôn ngữ kinh doanh hoàn toàn
mới để có thể hiểu được một nền văn hóa thương mại rất khác. Vì
thế, ông mua thêm một quyển sách khác và hình dung ra mọi thứ
trong đó mà ông cần phải biết về chế độ kế toán của Hàn
Quốc. Việc này sẽ giúp ông giảm nguy cơ bị “hoa mắt” bởi các con
số.
Sau khi đã nắm vững các danh mục, ông bắt đầu sàng lọc và
phân loại. Cũng giống như những ngày xưa cũ thời Graham-
Newman, khi ông ngồi bên cạnh chiếc máy điện báo trong bộ