Một hôm, Vũ Thôn ra ngoài thành thưởng ngoạn phong cảnh thôn quê, vui chân đi đến
một chỗ non nước quanh co, rừng trúc xanh tốt, lờ mờ thấy đằng xa có một tòa cổ miếu.
Vũ Thôn đến đó thì thấy cửa ngõ xiêu vẹo, tường vách đổ nát, có biển đề Trí Thông Tụ.
Cạnh cửa lại có đôi câu đối đã cũ nát:
Sau mình còn chỗ, không lùi bước,
Trước mắt cùng đường, muốn ngoảnh đầu
Vũ Thôn xem xong, nghĩ rằng: “Hai câu này văn thì thường thôi, nhưng ý sâu sắc. Xưa
nay ta đi chơi nhiều núi nhiều chùa có tiếng, chưa từng thấy câu đối nào thế này. Chưa
biết chừng trong đó có vị tu hành đắc đạo cũng nên. Sao ta không vào hỏi xem?” Khi vào,
thấy một vị sư già lọm khọm đang nấu cháo, Vũ Thôn cũng không để ý đến. Lúc nói
chuyện thấy vị sư vừa lòa vừa điếc, răng rụng, lưỡi cứng, hỏi một đằng, trả lời một nẻo.
Vũ Thôn chán ngán, trở ra, muốn tìm một hàng rượu uống mấy chén cho đỡ buồn. Hắn
vừa bước vào cửa, thấy trong đám khách có một người chạy ra cười và mời vào:
Lạ thật! Lạ thật! Sao lại gặp tiên sinh ở đây?
Vũ Thôn vội nhìn, thì ra người này buôn đồ cổ, họ Lãnh, tên Tử Hưng, đã quen nhau từ
khi ở Kinh Đô. Vũ Thôn thì phục Tử Hưng là tay có tài tháo vát, Tử Hưng thì muốn
mượn tiếng Vũ Thôn là người văn nho, vì thế hai người chơi thân với nhau.
Vũ Thôn vội hỏi:
Ông đến đây bao giờ? Tôi không biết, ngẫu nhiên lại gặp thực là kỳ duyên! Tử Hưng đáp:
Tôi về nhà năm ngoái, nhân có việc vào Kinh, tiện đường đến đây thăm một người bạn.
Ông ta có lòng tốt, lưu tôi lại ở chơi, tôi không có việc gì gấp, nên cũng ở lại ít ngày, độ
nửa tháng nữa sẽ lên đường. Hôm nay vì nhà ông bạn có việc, nên tôi ra đây chơi, định
vào nghỉ chân, không ngờ lại gặp tiên sinh!
Nói xong mời Giả Vũ Thôn ngồi. Tử Hưng bảo dọn rượu, hai người uống rượu nói
chuyện, kể lại những việc từ ngày xa nhau. Vũ Thôn nhân hỏi:
Gần đây Kinh Đô có gì lạ không?
Cũng không có gì lạ, chỉ có nhà dòng họ với tiên sinh có một chuyện hơi lạ. Vũ Thôn
cười: Họ tôi không có ai ở Kinh Đô cả, sao lại nói thế?
Tử Hưng cười: Cùng họ thôi, không phải cùng ngành.
Nhà nào?
Như phủ Giả Vinh quốc có lẽ cũng không làm mất thanh danh nhà tiên sinh!
Phủ Vinh quốc công à? Cứ kể ra, họ nhà tôi cũng không ít người, từ Giả Phục đời Đông
Hán đến giờ, chi phái rất đông, tỉnh nào cũng có, không ai tra khảo hết được. Kể ra phủ
Vinh thì có cùng họ với tôi đấy, nhưng nhà ấy vinh hiển như thế, tôi không tiện nhận họ,
nên ngày càng xa.
Tử Hưng thở dài:
Tiên sinh đừng nói thế. Hiện nay hai nhà Vinh, Ninh đều suy sút cả, không còn thịnh
vượng như trước nữa.
Hiện giờ hai nhà Ninh, Vinh người rất nhiều, sao bảo là suy sút?
Chính thế, nói ra thì rất dài.
Năm ngoái tôi đến Kim Lăng, vì muốn thăm di tích Lục Triều
. Khi tôi đến thành Thạch
Đầu, có đi qua hai nhà ấy. Con đường bắc lộ bên đông là phủ Ninh quốc, bên tây là phủ