Già Lưu nói: Tôi không dám nhận nhiều đâu. Đã đến quấy quả mấy hôm nay lại mang
nhiều thứ về, trong bụng tôi không đành tí nào!
Không có gì đâu, chẳng qua những đồ thường thôi. Xấu hay tốt bà cứ mang về để cho
làng xóm nhìn vào, càng thêm vui vẻ thế mới bõ công ra tỉnh chứ! Một lát, Bình Nhi lại
nói: Bà lại đây mà xem.
Già Lưu theo Bình Nhi vào trong nhà, thấy các món chất đầy nửa giường. Bình Nhi trỏ
từng thứ cho già Lưu xem, rồi nói:
Đây là tấm lụa xanh mà bà thích hôm trước, mợ tôi còn cho riêng bà tấm lụa nguyệt bạch
dày để may kép. Đây là hai tấm trừu bằng tơ, may quần áo đều đẹp cả. Còn gói này có hai
tấm trừu để cuối năm may quần áo mặc tết. Cái này là hộp đựng các thứ bánh có thứ bà
ăn rồi, có thứ bà chưa ăn, đem về bày ra đĩa mời mọi người, ngon hơn bánh mua nhiều.
Hai cái túi này là của bà mang đến hôm nọ, bây giờ một túi tôi đựng hai đấu gạo tám ngự,
đem nấu cháo thì quý lắm; còn túi này đựng các thứ quả tươi và khô hái ở vườn nhà. Cái
bọc này có tám lạng bạc là của mợ tôi biếu riêng bà. Hai bọc này, mỗi bọc năm mươi
lạng, cộng tất cả là một trăm lạng, là của bà Hai biếu bà mang về hoặc làm vốn buôn nhỏ,
hoặc mua mấy mẫu ruộng để sau này khỏi phải vay mượn bà con bạn hữu.
Bình Nhi khẽ cười nói:
Hai cáo áo và hai cái quần, cùng bốn cái khăn chít đầu, một bọc nhung, là của tôi biếu
riêng bà. Những quần áo này đã cũ nên tôi cũng không mặc mấy. Nếu bà chê xấu thì tôi
không dám biếu nữa.
Bình Nhi nói một câu, già Lưu lại niệm Phật một câu, kể ra đã niệm đến mấy nghìn câu.
Lại thấy Bình Nhi biếu riêng mấy thứ và tỏ ra khiêm tốn, già Lưu cười nói:
Sao cô lại nói thế? Những thứ này cũng rất đẹp, tôi dám chê vào đâu? Tôi có tiền cũng
chưa chắc đã mua được. Thật khó nghĩ quá: nhận thì ra người tham, không nhận thì phụ
lòng cô.
Bà đừng nói khách sáo nữa, chỗ người nhà với nhau, nên tôi mới dám xử thế. Bà cứ yên
tâm nhận lấy, tôi còn có cái muốn xin bà nữa đấy. Đến cuối năm, bà mang ra cho chúng
tôi ít rau, đậu, cá, bầu, vừa khô vừa tươi, ở đây chúng tôi ai cũng thích ăn những thứ ấy.
Thế là đủ rồi. Các thứ khác không cần, bà đừng bận lòng nghĩ ngợi.
Già Lưu cảm ơn luôn miệng và nhận lời, Bình Nhi nói:
Thôi, bà đi ngủ đi, tôi sẽ thu xếp hộ, để sẵn cả đây. Sáng mai tôi bảo đứa hầu bé thuê xe
chở đi, bà không phải bận lòng.
Già Lưu cảm động lắm, cảm ơn không ngớt lời, rồi mới cáo từ Phượng Thư, sang nhà Giả
mẫu. Sáng hôm sau dậy rửa mặt, chải đầu xong, định ra về.
Lúc này Giả mẫu khó ở, mọi người đều đến hỏi thăm, rồi ra bảo đi mời thày thuốc. Một
lúc bà già trình: “Thày thuốc đã đến”. Bà già mời Giả mẫu vào ngồi trong màn, Giả mẫu
nói:
Ta già thế này, không đẻ được ra nó hay sao. Lại sợ nó à? Chẳng cần phải buông màn
nữa, ta cứ ngồi ở đây cho nó xem.
Bọn bà già lấy một cái bàn nhỏ, đặt cái gối lên, rồi sai người mời thày thuốc vào.
Một lúc, Giả Trân, Giả Liễn, Giả Dung đưa thày thuốc họ Vương vào. Thày thuốc không
dám đi đường giữa, chỉ đi bên cạnh, theo Giả Trân bước lên thềm, có hai bà già đứng hai