Tế lễ đâu đấy, Hưng-đạo vương rước xa-giá về Thăng-long. Vua trông
thấy non sông lại yên bình như cũ, mừng rỡ vô cùng, bảo Hưng-đạo vương
rằng:
- Nhà nước ta mấy phen nguy mà lại yên, toàn nhờ sức của đại-vương
cả.
Hưng-đạo vương tâu rằng:
- Thần đâu dám nhận công ấy, đó là nhờ hồng phúc của nhà vua, cùng
các tướng hết lòng ra sức, như thần thì có tài gì?
Vua sai mở tiệc khao thưởng tướng-sĩ, cho dân sự mở hội vui vẻ ba
ngày, gọi là Thái-bình-diên-yến.
Nói về Thoát-Hoan thu quân về Yên-kinh vào chầu Nguyên chúa, thuật
lại tình hình bại trận. Nguyên chúa nổi giận đùng đùng, muốn lại cất quân
sang đánh báo thù phen nữa.
Các quan can rằng:
- Nam, bắc chia cõi, xưa nay đã định tự sổ giời. Vả lại bên An-nam vua
tôi đồng lòng, cha con một bụng, lại có Hưng-đạo vương giỏi việc dùng
binh, mưu cơ biến hóa như thần, dù đến Tôn, Ngô sống lại, Tư-mã phục
sinh, cũng không chắc đánh nổi. Vì thế quân ta đã ba phen vượt qua cửa ải,
mà lại thua lụi bại. Chi bằng nghỉ việc dùng binh, thông thường hòa hiếu,
để dưỡng sức muôn dân.
Nguyên chúa nghe dịu tai mới thôi.
Vua Nhân-tôn cũng nghĩ rằng mình tuy thắng được quân Nguyên ba
phen, nhưng nước mình vẫn là một nước nhỏ, không thể hơi sức nào mà
địch mãi với Nguyên triều được. Vì thế ngài muốn giảng hòa với Nguyên,