- Dào, những vị kia không đáng kể - nhà xã hội học trẻ nói giọng
khinh rẻ - Râyting của họ thấp lắm.
(Cách chấm điểm cho từng nhân vật trong một danh sách căn cứ vào
kết quả điều tra xã hội học).
- Cái gì thấp kia - Ira hỏi lại.
- Râytinh. Họ không được dân chúng biết đến nhiều lắm. Nhưng đối
thủ chính là Eltxin và Ziuganov. Cô bầu cho ai.
- Không cho ai cả.
Cô đi thật nhanh không quay mặt về phía người đàm thoại dai dẳng
kia.
- Tức là cô bỏ phiếu chống cả hai ?
- Ira nói giọng bực bội - "cần bầu cho ai thì người ta khắc bầu. Thế
thôi, phắn đi".
Vào đến Glorya cô nhìn ngay góc mà Oleg thường ngồi. Bàn vẫn còn
trống. Tốt thôi. Cũng chả mong đợi gì. Người đưa tiễn... Càng tốt, nếu hôm
nay gã không đến. Mặt gã rõ ràng không phải loại đi đưa về đón.
Nhưng gã trai vẫn xuất hiện, khi chỉ còn vài phút nữa sẽ đóng cửa,
mọc lên từ phía sau lưng cô, như lần đầu tiên.
- Chào bé Ira.
Và mắt cô lại chứa chan những giọt lệ. Bố cô đã gọi cô như thế, và
sau khi ông chết cô không nghe thấy những lời này. Đúng hơn là cô nghe
thấy đâu đó nhưng không phải dành cho cô.
- Chào anh - Cô bé đáp lại dấp dính, lau nước mắt - Lại đến tiễn đưa ?
- Lại đến - Oleg khẳng định - Em không đuổi chứ ?
Cô bé không trả lời, cô cạy chỗ cháy dính dưới đáy cái chảo lớn mà
người ta đã đựng món cá được nấu rất đặc biệt. Cô cảm thấy từ phía sau
lưng Oleg yên lặng ngắm cô.
- Anh đi ra thì hơn. Nhìn gì thế ?
- Anh làm phiền em ư ?
- Không đâu, cứ xem đi, nếu thích. Có gì hay đâu mà.
- Hay chứ. Khi anh còn bé anh đã từng hàng giờ nhìn mẹ anh. Hoàn
toàn đúng như bây giờ.
- Mẹ anh là ai cơ ? - Ira quan tâm một cách uể oải - Nghệ sĩ à ?
- Nghệ sĩ gì ! - Oleg cười to - làm nghề rửa bát. Nhà anh ở quê, bên
cạnh có an dưỡng đường. Của nhà nước. Mẹ anh làm bếp ở đấy. Mẹ mang
anh đến chỗ làm, và anh vẫn xem bà ấy cọ những cái đĩa, chảo, nồi to.
- Thế thì anh là dân hạn ngạch ư ?
(Dân không có hộ khẩu gốc Matxcơva, đến làm việc ở đây
và phải nhận qui chế tạm trú nhiều năm mới được xét nhận hộ khẩu thủ đô. (ND)