Ngài buồn rầu quay lại chỗ con gái báo tin chẳng lành rồi lại cùng cậu út
lênh đênh, trôi dạt đi tìm vợ và con trai lớn.
Mấy năm, ngài Tri huyện gội sương, tắm nắng mà vợ và con vẫn mịt mù
mây khói. Trong lúc đó, bà Nhu mỏi mắt chờ trông. Đến một ngày không
chịu được nữa, bà bèn đi dò la xem ngài đang ở đâu. Nghe phong thanh
ngài vừa về xóm chài, bà Nhu lặn lội tới xóm chài ngay. Tin mây tin gió mà
lại đúng. Bà đưa cho ân nhân lá thư. Nhìn nét chữ ngoài bì đúng là chữ con
trai, ngài mừng đến run lên. Mở thư ra, ngài không tin vào mắt ngài nữa.
Pham Bảo Hưng đã đỗ Cử nhân thật rồi. Ngài càng vui hơn khi thấy trong
thư con trai nói là đã tâu với Hoàng thượng về việc phải đổi lên. Chẳng
những Hoàng thượng không trị tội mà còn cho Phạm Bảo Hưng trở lại tên
cũ là Phạm Vũ Long. Thêm nữa, nhà Vua còn cho chỉ ấn làm bùa hộ mệnh
để đi tìm cha.
Ngài Tri huyện thấy đã đến lúc phải ra tay và muốn gặp con trai, ngài
không thể không thượng kinh. Thế là ngài cáo biệt bà Nhu gấp gáp tới bến
đò gặp Oanh Nhi.
Sau khi bàn với Oanh Nhi, ngài cho cậu út tới chỗ Trục Trâm. Mộc ở lại
trông coi con trai Oanh Nhi. Còn ngài, ngài cùng Mạc và Oanh Nhi thượng
kinh.
Thị Hương thơ thẩn bên gốc hoè mắt đăm về phương trời mà Phạm Vũ
Long dấn bước. Những làn mây trắng nhẹ bẫng trên khoảng xanh chầm
chậm trôi về phía ấy. Nàng thầm ước: Giá nàng như làn mây trắng kia.
Chàng đi tới đâu, nàng trôi tới đó. Mây cứ âm thầm làm chiếc ô lớn che cho
chàng. Dẫu chàng không hề biết thì mây cứ lặng lẽ làm bóng mát, có sao
đâu.
Bài thơ Phạm Vũ Long để lại cho nàng, nàng thuộc làu làu, thuộc cả nét
chữ. Nàng nhắm mắt lại, nét chữ ấy vẫn hiện lên rỡ ràng như những cánh
hoa. Dù là như vậy nàng vẫn muốn bài thơ trên giấy trắng, mực đen hiện ra
trước mắt. Bà Nhu đi vắng, nỗi cô đơn càng xâm chiếm tâm thức nàng.
Lòng cồn cào một nỗi nhớ, nàng lại mở tờ thư ra. Từng chữ từng chữ lấp
lánh.
Một sắc hoè xanh lồng sắc liễu