Trúc Chi
Huyền Thoại Biển
Chuyện kể bắt đầu từ miếu ông Cọp
Cha tôi kể chuyện lại cho tôi nghe... Hồi ấy, tôi mới lên năm sáu tuối, cho
đến bây giờ vẫn còn nhớ... Lúc mười lăm tuổi, mỗi lần theo ông nội ra biển,
cha tôi theo ngón tay chỉ của ông nội, kia là Gành Bà Roong nằm dưới chân
núi Hòn Bù. Bà Roong ở hang cú biển về, ghé lại gành để vá cánh buồm
đánh cú biển bị rách. Từ đó gành đá mang tên Bà Roong. Từ bãi cát làng
đến một thung lũng cát. Cát xung quanh trắng, nhưng trong thung lũng thì
cát màu xám tro.
Ngày rằm tháng Giêng, nhà nhà vào thung lũng lấy cát cho vào lư hương
cắm nhang. Cát trong lư hương người la gọi là cát của thung lũng giàn
thiêu. Khi tôi lớn lên vào đội du kích thì mắt thấy, động cát cứ sau mùa lụt
để lại một ao nước trong biếc, đêm lấp lánh ánh bạc. Dân làng gọi đó là
Vũng Ngọc, nơi mà Tài Ngọc tìm được ngọc trai.
Lũ trẻ chúng tôi chiều chiều ra bãi đi theo dấu chân còng láu lỉnh không
biết mệt. Trong khi đi, nhiều đứa cho biết đó là dấu chân thần Còng. Những
vết tích thần Linh Ngư đánh roi, thần bắt bạch tuộc cuốn cát, ông Khù moi
cát trở về thì chỉ là cái tên chứ không thấy đâu.
Đời ông cố thì tên làng có trong giấy tờ gọi là làng Tiên Châu, không còn
gọi làng Cọp Râu Trắng nữa. Ông cố tôi nói với các già làng, làng ta nhất
định còn miếu Ông Cọp Râu Trắng mặc dù chưa thấy miếu đâu. Ông cố tôi
tin vì còn thấy trên mỗi tảng đá bên gành biển in từng dấu khoanh tròn như
chân cọp. Hay đến mùa tế thần, già làng vái gọi thần Cọp Râu trắng của
làng. Những đêm động biển, trên ngọn cây gió hú, cát chạy rì rầm, già làng
nói đó là thần Cọp Râu Trắng gẩy đàn bầu...
Nhưng đến thời ông nội, bất ngờ làng tìm thấy được miếu Ông Cọp Râu
Trắng.
Chuyện như sau
Năm ấy, giặc Pháp nửa đêm từ biển đổ quân vào làng không một ai biết.
Vừa hừng đông súng giặc nổ. Giặc vây kín làng. Đội du kích ông tôi rút