chưa. Trạng Nguyên nghe hỏi có vẻ ngượng ngập, sợ hãi, trả lời rất mơ hồ.
Mặc dầu Trạng Nguyên tỏ ý rằng cha mẹ đã định “đôi bạn” cho mình rồi,
nhưng nhà Vua hình như không cần tìm hiểu, cứ phán truyền ý riêng của
mình:
- Tốt lắm, quan Trạng chưa có vợ, ta có Công Chúa con một đang kén
chồng. Công Chúa rất nết na xinh đẹp, ta chọn Trạng Nguyên làm Phò Mã,
Trạng nghĩ thế nào? Có ý kiến gì khác không?
Câu hỏi thật là thừa, còn ai dám phản kháng lệnh Vua. Ai có ý kiến gì khác
cũng đành chịu. Lời của Vua là “Thánh Chỉ”, ý của vua là mệnh lệnh. Thế
là quan Trạng Tân khoa đành phải tuân lệnh Vua làm Phò mã.
Lễ cưới Công Chúa cố nhiên rất huy hoàng với tất cả những lễ nghi phức
tạp quan trọng của một vị Công Chúa.
Nhưng riêng Trạng Nguyên dù được làm Phò mã, sẽ kế nghiệp Vua, được ở
một chức vị cao nhất sau Vua, cũng không có vẻ vui mừng chút nào. Phò
mã buồn, nhưng không ai để ý đến. Tất cả mọi người, từ Vua, Hoàng hậu
bá quan, quí tộc cho đến dân chúng, những ai nhìn thấy Phò mã cũng đều
công nhận là Phò mã đẹp vô cùng, đẹp hơn bất cứ một tuyệt sắc giai nhân
nào trong nước... Tất cả đều chỉ chú ý có thế và bàn tán mãi không thôi.
Cung điện của Phò mã ở ngay cạnh cung Vua, và cũng rực rỡ huy hoàng
không kém. Sau khi nhận lãnh tất cả quà tặng, chúc tụng, Công Chúa và
Phò mã được đưa về Cung để nhập động phòng. Nhưng có lẽ vì suốt ngày
phải làm đủ các nghi lễ phiền phức mệt quá, nên vừa vào đến phòng riêng
là Phò mã lên giường ngủ say đến sáng.
Rồi không những đêm đầu, mà tất cả những đêm sau cũng không hề thay
đổi.
Mỗi ngày, sáng Phò mã vào chầu Vua, chiều về đến phòng riêng là để
nguyên cả quần áo giày vớ lên giường ngủ say.
Mấy tuần lễ trôi qua đều như thế, Công Chúa cảm thấy tủi thân vì tưởng
Phò mã chê mình, nhưng ngượng không tiện hỏi. Công Chúa chỉ còn cách
khóc với Mẹ.
Vua và Hoàng hậu biết chuyện “đôi trẻ” chưa hề hành “Chu công chi lễ”
cũng rất khó xử, nhưng không biết làm thế nào.