Trong vai ông chủ muốn làm ăn lớn, Tư Mao lên Sài Gòn. Anh mua nhà,
mua xe. Làm thân chỗ này. Bắt mối chỗ kia. Mở rộng quan hệ. Kế đó xin
phép rồi trưng biển “Công ty Ngư Long” ở số nhà 27/ 20 Âu Dương Lân,
Quận 8, Sài Gòn. Giấy hành nghề của công ty do chính quyền Sài Sòn cấp,
ghi: Chủ công ty được phép đánh cá, chở thuê ra miền Trung; đóng mới,
mua và bán tầu cũ, máy cũ; mua bán gỗ...
Để có được cái vỏ bọc ấy, anh Tư chạy không ít tiền. Công ty còn có cơ sở
đóng tầu, sửa chữa tầu ở Biên Hòa, Long Hải, Vũng Tầu... Tư Mao trở
thành nghiệp chủ đáng nể. Đáng nể bởi khác với những ông chủ khác, ông
chủ này hào phóng, rộng rãi, giao thiệp rộng. Ông quen từ các quan chức cỡ
bự đến nhân viên cảnh sát, thuế quan... Đám thợ làm công cho Tư Mao ghé
tai nhau thì thầm: “Ông chủ buôn bán lỗ lãi ra sao, coi bộ xông xênh lắm”.
“Làm ăn lớ ngớ kiểu ổng, lỗ thấy mồ. Rủng rỉnh tiền, bởi ông chơi với các
quan chức chính quyền, cấu hàng viện trợ ra xài... Thời này chỉ ăn cắp và
biết ăn cắp mới giầu”. Công việc đang suôn sẻ thì xảy ra vụ phản bội của
Nguyễn Văn Rớt (Ba Tam)...
Chở "hàng" đặc biệt
Không hẹn mà gặp, sau những tháng năm dài lênh đênh trên biển chuyên
chở vũ khí cho chiến trường trên những con “tàu không số” rồi “tàu hai
đáy”, hòa bình lập lại, mỗi người tản đi một nơi, cuối cùng, anh em trên
“thuyền Bà Rịa” vượt biển ra Bắc năm 1962 lại về quê nhà, xã Phước Hải,
sinh sống.
Anh Lê Hà, anh Nguyễn Sơn cùng tiếp tôi tại nhà anh Thôi Văn Nam (Bảy
Nam). Hồi ấy anh Bảy Nam chưa bị tai biến mạch máu não, khỏe mạnh như
một ngư phủ, ăn to, nói lớn.
Một ngôi nhà hai tầng rộng, thoáng mát cận kề chợ Phước Hải. Thật vui khi
đã qua bao nhiêu năm tháng gian nan vất vả, bây giờ những người bạn
chiến đấu một thuở lại được cùng nhau hưởng những phút thanh thản nơi
quê nhà... Chúng tôi uống rượu với cá khô.... Rượu và cá là cái cớ để mấy
anh ngồi với nhau, chuyện trò. Sự có mặt của tôi với những tò mò nghề
nghiệp là nguyên do để các anh lần lượt ôn lại kỷ niệm.