không khí trong lành, cảm được vị mặn qua từng sợi gió.
- Tiền đâu? Đó là bài toán thứ hai cần giải của doanh nhân khi muốn làm
giầu cho mình, cho đất nước - Đào Hồng Tuyển châm điếu thuốc, rít một
hơi, mắt vẫn nhìn ra xa, gió tung mái tóc dày và dài, trông anh giống như
một nghệ sỹ. Anh quay qua tôi, ngón tay chỉ vào trán, cười - Nói hơi ngạo
một chút, nhưng quả vậy, tiền trong đầu mình.
- Cụ thể hơn?
Lại cười:
- Tiền ở đất, khi đã đổi nó lấy hạ tầng. Cần và bí thì bán “non”, nhưng đã có
đầy đủ các yếu tố thì hét cao lên. Một ngôi biệt thự bên mép nước, có bãi
tắm riêng, có “non bộ” thiên nhiên trước cửa với giá vài ba triệu đô trở
thành hàng hiếm. Hiện Tuần Châu có gần 1.000 héc ta đất. Mỗi mét đất
trong khu di sản thiên nhiên thế giới, trong khu du lịch tầm cỡ quốc tế, rẻ
cũng 10 triệu đồng một mét. Vậy hàng trăm ngàn mét vuông nơi đây, sẽ là
bao nhiêu? Rồi liên doanh, liên kết, hợp tác làm ăn, trong nước, ngoài nước.
Nhưng đừng nghĩ moi tiền của Tây, của Mỹ là dễ nhé. Họ lõi đời, biết
không có lợi, sẽ không nhập cuộc. Chơi với họ phải rắn. Phải có thế. Không
nhân nhượng. Sòng phẳng và trung thực…
Tôi nhìn vị Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu đang hướng mặt ra biển đón gió,
chợt nhớ đến nhận xét về anh của ông Andy dye, tỷ phú sân golf Mỹ - đối
tác làm ăn, người ký hợp đồng với Tuần Châu: “Ông ta (tức Đào Hồng
Tuyển- ĐK) là người của công việc, của hành động và là người trọng danh
dự. Ông ấy thật sự mong muốn vươn lên một tầm cỡ cao hơn và điều đó
cũng buộc chúng tôi phải suy nghĩ. Những gì ông ta đã làm trong mấy năm
qua đã chứng tỏ điều tôi nói. Còn với tư cách một nhà đàm phán, ông ấy rất
kiên định, phải nói là “rắn”, nhưng sòng phẳng và biết giữ lời, đáng tin
cậy…”
Đào Hồng Tuyển nói tiếp:
- Và tiền còn là tài sản vô hình, tức thương hiệu, tức giá trị Tuần Châu, nếu
biết tận dụng sẽ biến thành tài sản hữu hình.