NGƯỜI ANH HÙNG CỦA BIỂN
"... Bốn chuyến thuyền gỗ đưa vũ khí vào Cà Mau thành công, khẳng định
một điều là, ta có thể mở con đường vận chuyển trên biển, và mở lâu dài. Vì
vậy cần có những phương tiện tốt hơn, đi được trong mọi thời tiết. Với nữa,
phong trào cách mạng miền Nam đang không ngừng phát triển, lực lượng
vũ trang ngày mỗi lớn mạnh, đặc biệt đã xuất hiện những đơn vị chủ lực,
cũng là lý do đòi hỏi con đường vận chuyển trên biển phải phát triển nhanh
hơn. Không chỉ tăng số các chuyến đi, mà phải tăng chất lượng, hiệu quả
trong mỗi chuyến. Chủ trương của quân uỷ Trung ương lúc bấy giờ là, cần
nhanh chóng có loại tầu sắt từ 50 tấn đến 100 tấn làm phương tiện cho đoàn
759.
Công việc đóng tầu sắt xúc tiến khẩn trương. Một khó khăn là, làm thế nào
để đóng được nhanh, nhưng càng ít người tham gia, càng tốt. Mục đích sử
dụng của con tầu phải tuyệt mật.
Việc đóng tầu, Bộ Quốc phòng đề nghị xưởng Đóng tầu 3 (Hải Phòng)
thuộc Bộ giao thông vận tải đảm nhiệm. Đồng chí Ngô Văn Năm, giám đốc
nhà máy, từng làm cán bộ quân giới, là bạn cũ của Trung tướng Trần văn
Trà, nên mọi việc thuận lợi.
Thông thường để đóng một con tầu, việc thiết kế, duyệt thiết kế mất hàng
năm. Từ lúc có thiết kế đến lúc hạ thủy, thời gian hơn chừng đó nữa. Song,
chỉ 6 tháng sau, ngày 8 tháng 2 năm 1963, chiếc tầu sắt đầu tiên được bàn
giao cho đoàn 759. Tầu sử dụng máy của cộng hòa dân chủ Đức (cũ), là loại
máy tốt lúc bấy giờ. Trọng tải tầu 50 tấn. Vỏ chịu được sóng cấp 7 cấp 8.
Mớm nước nông, nên có thể ra vào các kênh rạch thuộc châu thổ sông Cửu
Long dễ dàng.
Ngày 17 tháng 3 năm 1963 chiếc tầu sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt, làm
thuyền trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Tiến, làm chính trị viên được lệnh
vào Bến Tre. Khi vào gần bờ thì gặp tầu tuần tiễu của địch. Thuyền trưởng
Đinh Đạt lập tức cho tầu vòng xuống Rạch Láng, Trà Vinh. Đó là đêm 23
rạng ngày 24 tháng 3. Các đồng chí phụ trách bến Trà Vinh hết sức bất ngờ
và vui mừng.