thơm nào, từ đâu đó chảy ra. Đã có đôi lần thiếp vốc nước lên để nếm, để ngửi. Song nhạt nhẽo như nước của mọi dòng suối, dòng sông
khác.
- Đấy, bệ hạ cứ hít hà trong gió thoảng mà xem. Đúng là trong hương thơm có vương cả mùi mật ngọt…
Càng ngược lên thượng nguồn, dòng sông càng hẹp dần, nhưng hương thơm đặc sánh, tới mức mọi người đều có ý ngồ ngộ: con
thuyền đang đi trên một dòng mật ngọt giữa hai bờ hoa thơm. Không ai có thể đếm hết được các loài hoa, cũng như không thể biết hết
tên gọi các màu hoa. Trên hai bờ không chỉ có hoa dại thân mền mọc cao hơn mặt đất dăm bảy gang tay, mà còn có cả rừng hoa với
những cây gỗ thân cao to tới mấy người Càng lên sát thượng nguồn, càng nghe rõ tiếng rì rầm của bướm, của ong. Đôi lúc có những đàn
bướm bay rợp dòng sông, khiến người trên thuyền ngỡ rằng một lốc xoáy vừa ập đến, đã bốc cả ngàn hoa ném lên không trung.
Khi bắt gặp những hòn đá mồ côi to như những đống rạ nằm chắn ngang dòng nước, cũng là lúc viên quan hướng đạo cố rướn
thuyền của mình lên cho kịp với thuyền ngự. Một thoáng ngần ngừ, Huyền Trân hỏi nhà vua:
- Tâu bệ hạ, dòng sông này tên gọi là gì?.
Nhà vua như sực tỉnh, chính ông cũng không biết tên con sông này là gì. Quốc vương bèn quay sang hỏi viên hàn lâm phụng chỉ và
viên ngự sử. Họ cũng không biết gì hơn nhà vua. Với vẻ thanh thản và bằng một thứ giọng trầm sâu, nhà vua nói:
- Cái gì rồi cũng phải có tên gọi, Gọi lâu thành quen. Nay qua chơi một dòng sông đẹp, ta chắc hoàng hậu hài lòng. Vả chăng miền
đất này nay mai ta sẽ giao trả về Đại Việt. Nên chăng hoàng hậu đặt cho nó một cái tên, để lưu dấu chút tình.
Chế Mân thầm nghĩ: “Dòng sông máu thịt của ta ơi. Từ nay ngươi sẽ đi vào tâm trí ta như một DÒNG SÔNG NỖI NHỚ”.
Huyền Trân chưa dự liệu cho tình huống này. Song nàng tự nghĩ: Cứ như bên Đại Việt ta, theo hình thù của vật mà đặt tên. Dòng
sông lớn nhất Đại Việt có màu nước lúc nào cũng ngầu đỏ, người ta gọi nó là “Sông Hồng”. Còn quãng chảy qua Thăng Long, dòng
sông chia làm hai nhánh, lại có tên: “Nhị Hà”. Ôi, miền đất hai châu, sao lắm thứ quí, lạ. Yến sào, voi trắng, trầm hương, với biết bao nhiêu
thứ sản vật dị thường. Đến dòng sông cũng khác lạ. Những sản vật này, núi sông thành quách này, và những con dân thuần hậu này, sẽ
làm cho non sông Đại Việt ta trở nên cẩm tú, hùng cường.
Sực nhớ việc đặt tên cho dòng sông. Huyền Trân nhẩm tính: “Còn dòng sông này vừa có hoa đẹp, vừa có hương thơm…”. Buột
miệng nàng nói luôn: