- Con Pansi đã đội ơn cứu tử của hoàng hậu. Nếu hoàng hậu không ngần ngại nó đã là nô tì của ta, ta xin biếu. Âu cũng là lưu một
chút tình cho sự tương kiến của chị em ta.
Không hiểu có mưu sâu chước lạ gì trong tấn trò này, nhưng cảnh ngộ buộc Huyền Trân không thể chối từ. Nàng tự nhủ: “tương kế
tựu kế”. Đoạn nàng quay ra nói với hoàng hậu Tapasi:
- Đội ơn hoàng hậu. Rồi nàng bảo Pansi:
- Ta với em chắc có duyên nghiệp chi đây. Hãy lạy ta hoàng hậu rồi theo ta.
Bích Huệ, Thúy Quỳnh phải chờ ngoài đại sảnh. Lâu quá không thấy chủ ra, hai cô đâm nghi. Bích Huệ tung chiếc quạt thước lên
không rồi bắt lấy, hai tay múa tít như người múa côn. Dừng lại đột ngột Huệ nói:
- Chị Thúy Quỳnh ơi, em phải đi xem hoàng hậu thế nào nhé. Chị cứ ngồi đây chờ em một chốc.
- Chắc là hai hậu gặp nhau, tỏ bầy tình cảm thôi chứ không có chuyện gì đâu. Hãy nán lại một chút, nếu không thấy người ra, hai chị
em ta cùng đi, chị Bích Huệ ạ.
Một lát sau Huyền Trân bước ra dẫn theo tì nữ Pansi. Pansi mặt mày tươi tỉnh, vừa đi vừa nói líu ríu những lời biết ơn.
Bốn thầy trò lên kiệu về cung. Cung hoàng hậu là một tòa nhà không lớn lắm, nhưng được xây cất đẹp đẽ, thoáng mát, nằm ở phía
bắc một quả đồi. Ngay sát cung hoàng hậu, thiết lập một chiếc am vừa là nơi thờ Phật, vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, có hòa thượng Minh
Thái giữ việc đèn nhang kinh kệ sớm chiều.
Trần Huyền Trân lập tức thuật lại câu chuyện vừa xảy ra bên cung hoàng hậu Tapasi cho hòa thượng nghe.
Hòa thượng suy nghĩ rất lao lung. Nhà sư không ngờ sự chống đối quyết liệt xảy ra quá sớm. Ông thầm đoán: đây là một vụ đầu độc
không thành. Nhưng là một vụ có dự mưu, tức là có tính toán sắp đặt từ trước. May mà công chúa sáng suốt. (Ông vẫn coi Huyền Trân
như một nàng công chúa, mà thượng hoàng Nhân tôn phó thác cho ông phải coi sóc). Một lát, ông hỏi Huyền Trân:
- Lệnh bà có nghĩ rằng hoàng hậuTapasi có dự mưu hạ độc thủ chăng? Việc này phải hết sức tỉnh táo.
Huyền Trân thong dong đáp: