vùng biển của ta. Nhưng cũng thật kỳ lạ, nếu đụng độ trận đầu với hải binh Chân Lạp, Tùy, Đường, Tống, Mông-Nguyên và Đại Việt, hễ
bị thua thì không sao gượng nổi để đánh trận thứ hai. Trận đầu thất bại, y như rằng thành trì trên bộ không sao giữ nổi nữa. Và thế là vua
tôi, đều bị bắt, bị giết. Đất nước bị dầy xéo, bị tàn phá đến điêu linh. Nàng có thể nói cho ta hay được điều này không, để ta không đi vào
vết xe đổ của các vua đời trước.
Huyền Trân tự nghĩ: “Những kiến thức này thuộc về các nhà lãnh đạo quốc gia, các bậc tướng lĩnh cầm quân trăm vạn, chứ một
thiếu nữ sống trong cung cấm như ta sao biết được”. Tuy nhiên, nàng thường được nghe phụ vương và các bậc huân tướng trong triều
đình, luận bàn về cái nhẽ được thua của Chiêm Thành qua nhiều triều đại và trận chiến tương tranh. Nàng thấy không thể không nói để
cho nhà vua biết được những bậc trí tuệ của Đại Việt đã lý giải về cái nhẽ trong hưng vong, thành bại của Champa. Mạnh bạo, nàng nói:
- Tâu hoàng thượng, thiếp là phận gái trong chốn khuê môn, không dám lạm bàn vào những việc quốc gia đại sự. Song thiếp chỉ xin
nói lại những điều mà thiếp được nghe, được thấy - Bệ hạ hỏi tại sao binh nhung của bệ hạ cứ đánh thua trần đầu là thành trì tan tác. Vua
tôi thất tán. Non nước điêu linh. Ấy là bởi người làm tướng thiếu kiến thức dùng binh. Các tướng lĩnh của bệ hạ chỉ cốt trau chuốt về hình
thức. Và chỉ biết dốc toàn lực lượng đánh một trận, như kẻ đánh bạc hám ăn to, mà không biết lựa thời cơ dò lực lượng địch. Như đức
Hưng Đạo đại vương là bậc thượng phụ thiếp dạy: “Địch tiến ta lui. Địch dùng trường trận, ta đánh đoản binh”. Tức là ta không cho kẻ
địch sử dụng cái mạnh sở trường của nó. Làm cho chúng phải lúng túng, hoang mang nơi chiến trường lạ. Âu cũng bởi các tướng lĩnh và
ngay cả các quan đại thần của bệ hạ nhiều người còn chưa biết chữ, thì làm sao mà học được những lời răn dạy, những kế sách thao lược
của các bậc danh tướng cổ kim. Ấy thế mà đã vội dương dương tự đắc, coi thường thiên hạ như cỏ rác, thì làm sao tránh được cái họa sụp
đổ.
- Vậy theo ý nàng, ta phải làm gì để quốc gia ta hưng vượng được, hỡi đóa “Bạch trà kiều diễm!”.
Huyền Trân biết: ‘Nhà vua là người cầu thị, nhưng một người con gái như ta, làm sao hoạch định được đường lối để cho ông chấn
hưng đất nước?”.
Thấy Huyền Trân im lặng giây lâu, nhà vua lại giục:
- Ta biết, đây là một việc cực khó, ngoài tầm suy xét của nàng. Song nàng cũng có thể cho ta biết, những việc tương tự như thế này,
bên Đại Việt thường làm ra sao?
- Tâu bệ hạ, thật ra thiếp cũng không để tâm nhiều lắm đến việc chính trị của triều đình, mà chỉ chuyên về thi, thư, lễ, nhạc. Song le,
công việc triều đình diễn ra hàng ngày, ngay bên cạnh, nên thiếp ít nhiều có được biết. Đại loại các hàng quan chức trong bộ máy quốc