- Vậy là khanh vẫn không chịu ngồi. Sao khanh không quì như năm trước dâng biểu cho quan gia. Đức vua mỉm cười vẫy Nhữ Hài
ngồi xuống sập.
Nhữ Hài khép nép vái ba vái rồi mới ghé ngồi.
- Khanh có thấy thư phúc đáp của quốc vương Chiêm Thành gửi cho ta không?. – Nhà vua hỏi.
- Tâu thượng hoàng, theo như thần được biết thì có. Nhưng đường xa, lại e có con mắt của người Nguyên nom dòm, nên quan gia
muốn thỉnh thượng hoàng về kinh để thượng hoàng coi xét và chỉ giáo cho. Bẩm thượng hoàng, vì thế mà đoàn cống sứ vẫn còn nghỉ
ngoài dịch quán, quan gia chưa tiếp.
- Cầm đầu sứ đoàn là ai, khanh có biết không?
- Bẩm thượng hoàng, cầm đầu sứ đoàn là quan Bồ-đề (quan tể tướng), cậu ruột của quốc vương Chế Mân. Nhưng linh hồn của sứ
đoàn lại ở nơi hòa thượng Du Già, chủ sự phái Phật giáo Đại thừa Chiêm quốc.
- Thế thì hay lắm! Nhà vua reo lên. Người không nén nổi niềm vui.
- Bẩm thượng hoàng, nhà sư lại cải dạng làm người thường.
- Sao khanh biết?.
- Bẩm có tá thánh thái sư dò xét trong đám tùy tùng. Và có người của ta nhận mặt được nhân chuyến sang sứ Chiêm mấy năm trước.
- Ta chắc có duyên do uẩn khúc gì đây, chứ người Chiêm sai đủ thâm sâu như người Tống, người Nguyên để lừa ta? Khanh thất sắc
diện của họ ra sao?
- Trình thượng hoàng, thần không dám võ đoán. Nhưng cứ xét vẻ ngoài thì họ đến ta với ý đồ chân thực.
- Ta cũng nghĩ như khanh.
Đêm ngược thuyền về kinh, vua Nhân tôn cho Nhữ Hài đi cùng với thuyền ngự. Công chúa Huyền Trân được phép ở lại đi ngoạn
cảnh vài bữa rồi thu xếp về sau. Vốn có lòng mến Nhữ Hài từ buổi y đội biểu tạ tội cho quan gia. Nhà vua muốn đàm đạo với gã thiếu niên
này, xem kiến giải của y cao thấp ra sao mà được quan gia sai khiến.