Thấy cuộc đàm luận có chiều hơi căng, vua Anh tôn bèn vẫy tay cho tả hữu ngồi xuống rồi nói:
- Những điều các khanh bầy tỏ đều hợp ý quả nhân. Nên nhớ một điều, thượng hoàng dạy ta khi người xuất gia, bây giờ ta nhắc lại
để các khanh cùng biết. Người nói: Giang san gấm vóc đã thấm không biết bao nhiêu máu, xương của tổ tiên mới có được. Nay trăm họ
giao cho ta gìn giữ, một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ngẩng nhìn các quan đại thần khắp một lượt,
nhà vua lại nói:
- Các khanh ăn lộc triều đình, gắng hoàn thành trách vụ cho tốt. Còn việc có vào Chiêm hay không, đó là quyền quyết định tối hậu
của thượng hoàng.
Tan chầu, Anh tôn mời vua cha vào hậu điện. Anh tôn cảm thấy ấm áp tình cha con. Nhà vua tự nghĩ: Thì ra không phải vua cha
xuất gia để cầu nhàn hoặc cầu đắc đạo. Mà chính vua cha xuất là để xử. Vì trong mỗi bước đi, mỗi việc làm của triều đình, vua cha đều kín
đáo theo dõi và giám sát chặt chẽ. Nhà vua nói:
- Thưa phụ hoàng, con được thái sư cho biết, ông hòa thượng ấy chính là người tâm phúc của vua Chiêm. Còn quan tả bộc xạ tuy là
cậu ruột Chế Mân, nhưng lại có ý tranh chấp với cháu. Ông ta vào Đại Việt, là thay mặt Chiêm quốc làm việc bang giao, nhưng cũng có ý
dò tìm xem Chế Mân có ngầm liên kết với Đại Việt không.
- Ta biết. Vua Nhân tôn nói. Ta đã trò chuyện kín đáo với vị hòa thượng đó ở chùa Diên Hựu (Nay là chùa Một cột). Chế Mân thực
tâm cầu hòa. Ông ta là một vị vua anh minh. Ta vào Chiêm chuyến này làm việc liên kết phía nam để rảnh tay đối phó với mặt bắc. Quan
gia ở nhà xem xét việc triều chính, việc biên ải cho ngặt. Cả phía biển đông nữa cũng không được lơ là. Quan gia kíp sai Nhữ Hài viết thư
phúc đáp cho quốc vương Chiêm Thành. Bố cáo trước cho họ biết, đích thân ta cầm đầu phái bộ Phật giáo Đại Việt tới thăm Chiêm quốc,
để trao đổi kinh sách và về sự đạo giữa hai nước. Tùy cơ ứng biến, vào đó ta sẽ làm cả việc đạo lẫn việc đời. Người Chiêm hiện thời kiêu
ngạo về đội thủy binh của họ. Họ hung hăng cướp bóc tàu buôn các nước qua lại trên biển. Quan gia nên cho cái ông tả bộc xạ Chiêm
quốc ấy đi xem hải đoàn của Nhân Huệ vương. Cho ông ta tận mắt thấy cảnh chiến diễn ra trên Bạch Đằng giang như thế nào. Cũng cho
ông ấy xem cả tượng binh, kỵ binh của ta nữa.
(Cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, Chiêm Thành có lực lượng hải quân khá mạnh. Họ thường hay tổ chức cướp biển. Tàu buôn các
nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…thường bị họ cướp bóc tàn tệ. Người Pháp đã gọi họ là Pirate de mer = hải tặc.)
Có thể ta sẽ đi Chiêm trước khi sứ bộ Chiêm Thành về nước. Nhưng ta đi đường bộ, để còn xem mặt nam, quân cơ phòng vệ với dân
tình ra sao. Họ về bằng đường thủy. Hẳn là họ sẽ tới Chà Bàn trước ta.