- Cứ xem cách đánh của người Giao Chỉ cũng có phần kiên cường,
quyết liệt, nhưng vì lực nó quá yếu nên từ khi ta đưa quân vào đất nó tới
nay, chưa có ải nào nó giữ nổi lấy ba ngày, chưa có trận nào gọi là đại trận.
Vì vậy việc nó xin hàng đây có thể tin tới sáu, bảy phần, xin Trấn Nam
vương cân nhắc.
Tham tri chính sự Ô-mã-nhi cũng xin nói:
- An Nam thường tự phụ có đội quân thủy thiện xảo thế mà khi thủy
binh của ta vào nước nó, chỉ có vài trăm đứa ở mũi Ngọc Sơn đánh đấm nhì
nhằng như bầy giặc cỏ, đại binh ta chưa kịp ra tay thì chúng đã trốn chạy
không biết đâu mà truy tầm nữa. Cùng với các cửa ải lần này chúng kháng
cự đều yếu ớt, chứng tỏ cuộc chinh phạt năm Ất Dậu mới đây của Trấn
Nam vương đã làm suy kiệt nước nó. Vì vậy việc Nhật Huyên phải đưa anh
họ nó ra xin thương thảo đầu hàng với Trấn Nam vương là bởi An Nam đã
tới bước đường cùng. Tuy vậy để chúng không còn khả năng tráo trở như
ông hữu thừa Trịnh Bằng Phi vừa tâu báo, xin Trấn Nam vương cho đánh
dốc vào Thăng Long, truy bắt cho bằng được cha con Nhật Huyên và Hưng
Đạo. Nếu bắt được mấy người này, cuộc chinh phạt An Nam coi như hoàn
tất, Trấn Nam vương chỉ việc chia Giao Chỉ thành quận huyện, đặt quan cai
trị và ngài xin với thiên tử ở lại làm tiểu vương ở cái xứ rừng vàng biển bạc
này chẳng hay lắm sao.
Nghe Ô-mã-nhi nói, Thoát-hoan cảm thấy nhẹ người và y cảm như
chiến thắng trọn vẹn đang trong tầm tay.
Tả thừa A-li cũng phụ họa:
- Tâu Trấn Nam vương, sau khi đặt quan cai trị xong, Trấn Nam
vương nên nghĩ ngay đến việc bức hàng Champa, Chân Lạp, Tiêm La… cả
một dải đất phương nam mênh mông và giàu có phụ vào đế quốc của thiên
tử. Sau kỳ công vĩ đại này, chắc thiên tử sẽ hài lòng ân thưởng cho chủ
tướng và tiến phong ngài tước đại vương.
Thoát-hoan nghe tả hữu tâu báo thấy đều có lý. Hắn có vẻ hài lòng,
liền phán: