Tác phẩm "Huynh đệ" của ông gồm 2 tập đang rất ăn khách ở Trung
Quốc, sách của Dư Hoa chỉ mới có ba quyển được dịch sang tiếng Việt.
Năm ngoái tiểu thuyết Huynh Đệ của ông đã được xuất bản ở trong nước.
Vào tháng 2 năm nay quyển tiểu thuyết trên 600 trang này mới được dịch
sang tiêng Anh, và quyển này là tác phẩm thứ ba được dịch sau ba cuốn
Chuyện Người Bán Máu,Khóc Trong Mưa Phùn, và Sống. Sau khi dư luận
khá ồn ào ca ngợi nhà văn Trung quốc này, quyển Huynh Đệ cũng như Dư
Hoa xem ra không được những cây bút phê bình điểm sách ở Mỹ coi trọng.
Dư Hoa sinh năm 1960 ở Triết Giang, Trung quốc. Khi 18 tuổi, sau
một thời gian ngắn được huấn luyện làm nha công, họ Dư hành nghề
khoảng 5 năm rồi bỏ nghề phần vì làm nha công không những suốt ngày cứ
phải "nhìn vào mồm thiên hạ" mà còn kiếm được ít tiền nên khi thấy những
cán bộ nhà nước làm cho Trung Tâm Văn Hóa cả ngày chỉ lang thang rong
chơi, Dư Hoa xoay được một chân làm trong một trung tâm văn hóa và bắt
đầu viết lách. Tên tuổi của Dư Hoa nổi như cồn vì tiểu thuyết Sống được
đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu đưa lên màn bạc. Cuốn phim này
được trình chiếu và được trao giài ở Đại Hội Điện Ảnh Cannes năm 1995.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn Dư Hoa làm bộ vui đùa khi được hỏi về ý kiến
cho rằng cuốn phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn không hay bằng cuốn
sách đã tỏ ra là người khá vô ơn. Dư Hoa cũng được trao giải văn chương
Mao Thuẫn. Tuy không được đào tạo chính qui về văn chương nhưng Dư
Hoa là một người viết lách chịu khó đọc để học hỏi các nhà văn nổi tiếng
thế giới như Fyodor Dostoievsky, William Faulkner, Toni Morrison…và dĩ
nhiên chỉ đọc được những nhà văn này qua các bản dịch Trung văn. Với
những tác phẩm viết trước năm 1992 Dư Hoa được coi là nhà văn tiền
phong, hiện đại trong văn phong cũng như đề tài. Nhưng từ quyển Huynh
Đệ, Dư Hoa quay sang lối viết hiện thực phê phán xã hội, châm biếm theo
kiểu Lỗ Tấn trước đây. Vì tầm nhìn văn chương rất giới hạn nên những
phát biểu của Dư Hoa về những nhà văn Trung quốc di dân như Cao Hành
Kiện, Mã Kiến, Đới Tư Kiệt… tỏ ra rất nông cạn.